Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

TÌNH THẾ BI KỊCH DẪN ĐẾN CÁI CHẾT BI THẢM CỦA NHÂN VẬT CHÍ PHÈO




TÌNH THẾ BI KỊCH DẪN ĐẾN CÁI CHẾT BI THẢM CỦA NHÂN VẬT CHÍ PHÈO





Ước mơ của Chí không thể trở thành hiện thực. Thị Nở không thể giúp được cho hắn. Bà cô thị kiên quyết không cho thị đến với hắn, bà kiên quyết ngăn cản mối tình này. Bà không thể đồng ý cho cháu bà lấy một con quỷ dữ, lấy một thằng mà xưa nay chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ, chỉ có một nghề là phá phách dân làng. Nghe những lời chửi của bà cô thị, thị Nở thấy lộn ruột, thấy vô lí và uất ức nhưng vẫn phải nghe theo. Bà cô thị Nở là đại diện cho thành kiến, định kiến nghiệt ngã, cay đắng của làng Vũ Đại, đã xa lánh, ghê sợ và từ chối Chí.

-Thị Nở trút tất cả sự giận dữ và nhục nhã của bà cô thị lên Chí, làm Chí ngẩn người  thất vọng. Chí đã rất cố gắng để níu tay thị Nở, chứng tỏ Chí Phèo khao khát tình yêu thương, thiét tha đến với thị Nở, đến với cuộc đời lương thiện.

-Khi không thể níu giữ được thị, Chí Phèo rơi vào tình thế tuyệt vọng. Chí vật vã đau đớn. Chí đã rơi vào bi kịch tinh thần của một kẻ sinh ra là người mà không được làm người, Chí ôm mặt khóc rưng rức.

Nam Cao tinh tế thật và ông dùng từ ngữ chính xác tuyệt đối. khi được thị Nở chăm sóc, Chí xúc động trước hành động và tình cảm của thị, hơn nữa hắn mới tỉnh rượu và tỉnh táo sau những cơn say dài vô tận và trong khoảng thời gian dài sống kiếp thú vật tăm tối u mê, Chí thấy “mắt hình như ươn ướt”. Nước mắt của Chí ướt mi, thấm thía về cuộc đời gây tội ác cuẩ mình, đó là cái xúc động xen lẫn sự ăn năn, hối hận. Đó là tâm trạng đan xen giữa thực tại với hồi ức và suy đoán. Còn bây giờ khi Chí đã trở về với tính người, Chí yêu cuộc sống của con người và khao khát được hoà mình vào cuộc sống ấy, hắn rất hi vọng và tin tưởng, đột nhiên bị từ chối, từ chối một cách cay đắng. Chí hiểu rất rõ nỗi đau, bi kịch của chính mình nên hắn mới khóc một cách tức tưởi, đớn đau, “ôm mặt khóc rưng rức”. Lần này không phải là ươn ướt mắt nữa mà là khóc rưng rức. Nam Cao tài  tình thật! Ông đúng là sống rất sâu sắc và có vốn sống dồi dào nên mới am hiểu tâm lí con người và miêu tả được chính xác đến thế!

-Chí Phèo uống rượu nhưng không say mà hình như tỉnh ra. Thực chất, trong sâu thẳm tâm hồn, Chí ý thức rất rõ về nỗi đau thân phận. Chí không thấy hơi rượu mà thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Chí không thấy hơi rượu, hắn không thèm rượu, hắn không muốn gây tội ác, hắn không muốn phá phách mù quáng mà hắn cứ thấy thoang thoảng hơi cháo hành, chí lúc này chỉ thèm khát tình người, hơi cháo ấy là  tình người, thứ hương vị ấm áp mà tràn ngập hạnh phúc khiến chí cảm thấy thèm. Chí tiết này được nhà văn nhắc lại nhằm tô đậm niềm khát khao tình yêu thương và bi kịch tinh thần của  Chí Phèo.

-Trong cơn khủng hoảng và bế tắc, trong trạng thái  chập chờn say tỉnh, Chí ý thức rất rõ về nỗi đau thân phận, Chí Phèo thấm thía hơn tội ác của kẻ đã cướp đi bộ mặt người và linh hồn người của mình, kẻ đã biến mình từ một người lao động lương thiện trong sáng có ướcc mơ giản dị thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại để hắn phải sống trong u mê, tăm tối, làm chảy máu và nước mát của những con người lương thiện, kẻ đã bắt Chí đã phải quay lưng lại với dân làng Vũ Đại, nơi đã động lòng trắc ẩn và yêu thương Chí, cho Chí được lớn lên.

Chí quyết định xách dao đi trả thù. Trong ý định, Chí muốn đến nhà  thị Nở để đâm chết con đĩ Nở, đâm chết con khọm già nhà nó. Đấy là ý định bột phát. Nhưng khi xách dao ra đi, lúc này rượu cũng đã ngấm mà không làm hắn say, rượu làm cho hắn tỉnh táo. Nam Cao đã đau đớn cùng Chí Phèo mà đặt bút viết : “Tỉnh ra, chao ôi, buồn”. Rượu lúc này làm hắn thấm thía hơn bi kịch và ý thức thấn phận cô độc bị loài người gạt bỏ, Chí Phèo đến thẳng nhà Bá Kiến. Trong lúc quằn quại trong đau khổ và tuyệt vọng, Chí nhận ra một cách sâu sắc kẻ gây ra bi kịch đời mình chính là Bá Kiến, Chí thấm thía tội ác của kẻ đã cướp đi bộ mặt người, linh hồn người của mình, biến mình thành quỷ dữ của làng Vũ Đại.

Chí đến nhà Bá Kiến lần này không phải là bước chân của người say, mà ra đi với sự thôi thúc của lòng căm thù và thái độ kiên quyết đòi lại gương mặt người, linh hồn người, đòi lại cái tên và chỗ đứng trong xã hội cuẩ những người lương thiện. Chí đã trợn mắt, chỉ tay vào Bá Kiến mà dõng dạc đòi lương thiện. Bá Kiến khinh bỉ vứt tiền cho Chí, Chí đã vênh mặt lên chững chạc mà nói với một thái độ rất kiêu ngạo: “Tao đã bảot là tao không cần tiền”. Điều này khiến Bá Kiến vô cùng ngạc nhiên và sửng sốt  mỉa mai Chí, Chí Phèo khẳng định một cách dõng dạc: “Tao muốn làm người lương thiện”. Thái độ thẳng thắn đối diện với chính mình, đó là sự điều khiển bằng ý thức của con người. Nhưng cũng chính trong lúc này Chí nhận ra một hiện thực đắng cay: “Không được!Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất những vết mảnh chai trên mặt này?”. Câu hỏi của Chí Phèo vút lên một cách cay đắng và không có lời đáp. Câu hỏi chất chứa nỗi đau, bi kịch của một người biết mình muốn làm người lương thiện nhưng không thể quay đầu lại được. “Ai cho tao lương thiện?”. Trong cái xã hội thực dân phong kiến phi nhân tính, đầy những tàn ác này, làm gì có chỗ cho Chí Phèo, làm gì có lương thiện cho Chí  khi mà có những kẻ như Bá Kiến, lúc nào cũng chỉ muốn giết đi phần lương thiện trong con người lao động (Binh Chức, Năm Thọ cũng từng bị Bá Kiến biến thành những kẻ lưu manh..). “Làm thế nào cho mất những vết ảnh chai trên mặt này?”. Định kiến, thành kiến nghiệt ngã của làng Vũ Đại, của xã hội tàn bạo này làm sao mà thay đổi được. Làng Vũ Đại từng nuôi Chí lớn lên, từng yêu thương, đùm bọc Chí, từng hiểu rõ bản tính của Chí nhưng bây giờ có chấp nhận Chí đâu. Trong một khoảng thời gian dài, họ đã quen với hình ảnh Chí Phèo là một con quỷ dữ chuyên đâm chém, phá phách dân làng, bây giờ linh hồn người của Chí đã trở về nhưng họ không đón nhận. Chí không có cách nao xoá bỏ những vết mảnh chai trên mặt hắn, hắn không thể làm thay đổi cách nghĩ, thay đổi định kiến của dân làng Vũ Đại, của xã hội về Chí được. Đó cũng chính là sự kết án Bá Kiến một cách đanh thép. Lời kết án của một con người hoàn toàn tỉnh táo về ý thức chứ không phải suy nghĩ của một người say rượu.

Chí đã hỏi và tự trả lời: “Chỉ có một cách là …cái này…biết không?” Chí vung dao đâm Bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình. Chí đã có hành động của một con người tỉnh táo với những suy nghĩ sâu sắc. Hành động của Chí đã vượt khỏi suy nghĩ của tên địa chủ khét tiếng tàn ác, gian ngoan. Thực ra trước đó Chí không có ý định đế nhà Bá Kiến nhưng việc đến nhà tên địa chủ này không phải là việc làm thiếu suy nghĩ, đó là một quyết định đúng đắn không phải do Chí quen đường mà là do sự chỉ đạo của ý thức con người tiềm ẩn trong sâu thẳm tâm hồn Chí. Thực ra Chí hiểu khá rõ về con người Bá Kiến, về bi kịch cuộc đời mình. Đâu phải vô cớ khi vừa đi ở tù vể, Chí đến nhà Bá Kiến gọi tận tên tục ra mà chửi. Đâu phải vô cớ thỉnh thơngr Chí lại khật khưỡng đễn nhà Bá Kiến “đòi nợ”. Tuy làm tay sai cho Bá Kiến nhưng ngọn lửa căm hờn vẫn âm ỉ cháy trong Chí Phèo. Đặc biệt nó càng bùng lên dữ dội khi hắn đã thức tỉnh về nhận thức và cảm xúc của con người, khi hắn hiểu ra nguồn gốc bi kịch của cuộc đời mình. Do đó Chí Phèo giết Bá Kiến không phải do say rượu mà do mối thù đã bùng cháy lên thành hành động dữ dội, quyết liệt. Đó là hành động lấy máu rửa hờn của một người nông dân bị tha hoá, bị tước đoạt quyền làm người nay đã thức tỉnh về quyền sống, quyền làm người lương thiện.

Nam Cao thật sự rất tinh tường và sâu sắc khi ông thể hiện tất cẩ nỗi đau của Chí nhưng ông vvẫn khám phá ra dưới đáy sâu thẳm của con quỷ dữ ấy là phần nguồi rất đáng quý, phần con người bất diệt. Nhưng Chí sau khi giết Bá Kiến rồi quya lại tự sát. Vì ý thức về nahan phẩm đã trở về, Chí không bằng lòng sống kiếp sống thú vật nưa. Chí Phèo không chịu trách nhiệm về cái chết của Chí, mà thực ra Chí chết là do Bá Kiến, những tên địa chủ cường hào tàn ác ở nông thôn và toàn bộ xã hội thực dân phong kiến vô nhân đạo lúc bấy giờ. Cái chết của Chí là một bản án kết tội sâu sắc, đnah thép cái xã hội đã bức tử sự sông, giết chết cuộc sống của những người lao động lương thiện.



CÁI CHẾT CỦA CHÍ PHÈO



Nguyên nhân:

-Chí Phèo chết là là do hệ quả tất yếu của tội ác mà bọn cường hào ác bá gây nên.

 Nếu không có sự thâm độc, nham hiểm của Bá Kiến, không có sự tàn bạo của nhà tù thực dân, Chí đâu thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, Chí đâu bị từ chối mối nhân duyên giản dị với thị Nở, một người xấu dưới đáy của xã hội loài người, đâu bị cuộc đời xa lánh, ghê tởm.

-Chí Phèo đã thức tỉnh ý thức con người. Việc Chí Phèo tự sát không phải là hành động mù quáng do hơi men mang lại. Đó là một bi kịch. Chí đã thức tỉnh tức là không chấp nhận kiếp sống của một con thú hoang, một con quỷ dữ nữa. Hắn không thể đập phá, đâm chém, doạ nạt con người được nữa. Chí muốn sống lương thiện nhưng không thể được. Vì kẻ thù của Chí không phải một mình Bá Kiến mà là cả xã hội thối nát và tàn ác đương thời.

Cái chết của Chí là một kết thúc bi thảm và dữ dội, là giải pháp duy nhất trong tình trạng bế tắc, bi kịch của Chí. Chí phải chết, vì Chí đã đòi lương thiện, đòi cái mà xã hội tàn bạo lúc ấy không có, cái mà xã hội ấy luôn muốn tàn phá, muốn huỷ diệt. Nếu Chí không chết, Chí phải tiếp tục thoả hiệp với những Bá Kiến khác, với giai cấp thống trị tàn nhẫn, với xã hội vô nhân tính và phải trở lại con đường làm quỷ dữ. Chí đã phải đánh đổi cả sinh mạng của mình để được làm người lương thiện, để được sống kiếp sống của con người. Trước đây, để tồn tại, Chí phải bán cả bộ mặt người, linh hồn người cho quỷ dữ. Nay, khi linh hồn người đã trở về Chí buộc phải chết. Thật là một bi kịch! Nhưng hành động của Chí là sự “thức tỉnh trọn vện của nhân tính”. Chí khát khao lương thiện đến cháy bỏng, Chí sẵn sàng đổi cả sinh mạng của mình để được làm người lương thiện.

Đây cũng là sự thành công của Nam Cao trong khám phá và tái hiện số phận bi thảm của người nông dân, trong việc thể hiện tư tưởng nhân đạo của mình.



Ý nghĩa cái chết của nhân vật Chí Phèo:



-phản ánh một hiện thực nghiệt ngã của xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng 8: tình trạng xung đột giai cấp rất gay gắt không thể đièu hà được, buộc phải giải quyết bằng biện pháp quyết liệt.

- Cái chết của Chí có ý nghĩa tố cáo mãnh liệt xã hội thực dân phong kiến không những đã đẩy người nông dân vào con đường bần cùng, lưu manh hoá mà còn đảy họ vào chỗ chết.

-Thể hiện tư tưởng nhân đạo của Nam Cao: 
+Thương xót cho những người lương thiện có số phận bất hạnh.
+phát hiện, khẳng định bản chất tốt đẹp của con người ngay cả khi tưởng như họ đã bị xã hội thực dân phong kiến tàn ác biến thành quỷ dữ.
 -Gieo vào lòng người đọc sự cảm thông, tin tưởng với người lao động và thái độ căm ghét những thế lực bạo tàn đã cướp đi những giá trị cao đẹp của con người, đẩy con người vào "bước đường cùng" phải đi đến cái chết.
-Cái chết cuẩ nhân vật Chí Phèo cũng thể hiện cái nhìn bi quan của nhà văn: chưa tìm thấy lối thoát cho nhân vật của mình. (Nhiều tác phẩm của ông có nhưng nhân vật chết do cùng đường: Lão Hạc chết vì miếng bả chó, anh Đĩ chuột chết vì nghèo...). Đây cũng là hạn chế của tác phẩm này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét