Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

CÂU HỎI TÁI HIỆN KIẾN THỨC (2 ĐIỂM) VỀ TÁC PHẨM "CHÍ PHÈO".



CÂU HỎI  TÁI HIỆN KIẾN THỨC: 2 ĐIỂM

Câu 1: Ý nghĩa tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo:
Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu là hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng tự nhủ: “Chắc nó trừ mình ra”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Tức thật! Ờ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không?...”

-Nhân vật Chí Phèo từ khi đi ở tù về bị biến dạng về nhân hình, nhân tính nhưng từ khi bị Bá Kiến lợi dụng trở thành tay sai, thành công cụ gây tội ác trong tay gia cấp thống trị, Chí biến thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, Chí bị người dân làng xa lánh, ghê sợ, họ tránh mặt mỗi khi Chí đi qua. Chí phải dùng tiếng chửi để đối thoại, để giao tiếp với cộng đồng nhưng không được.

- Hắn chửi tất cả : từ trời, đời, cả làng Vũ Đại, đứa không chửi nhau với hắn,  “đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn”=> đối tượng chửi từ khái quát đến cụ thể, từ xa đến gần và cuối cùng thì đã được xác định : xã hội thực dân nửa phong kiến đã sinh ra cái thằng Chí Phèo, đối tượng chửi cũng thu hẹp dần chứng tỏ Chí đang rơi vào ngõ cụt của sự bế tắc.
- Chí chửi trời, nghĩa là chửi tạo hoá, chửi đời là chửi xã hội, chửi làng Vũ Đại là đối lập với quê hương, chửi những người không chửi nhau với hắc là đối lập với tất cả nhưng Chí chửi cả người đẻ ra hắn tức là đối lập với nguồn gốc, với sự tồn tại của chính mình. Và ái mà Chí nhận được là : “trời có của riêng nhà nào” “đời là tất cả nhưng chẳng là ai” “không ai lên tiếng cả” “không ai ra điều” “nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo”. Tiếng chửi của Chí là một thứ hỗn âm rơi vào hư không một cách vô nghĩa.
• Ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo:
Chí chửi tức là Chí muốn giao tiếp với mọi người nhưng tất cả đều im lặng. Chí đã bị đánh bật ra khỏi xã hội loài người, tiếng chửi trở nên vật vã, tuyệt vọng.
Tiếng chửi thể hiện tâm trạng bi phẫn đến cùng cực của Chí Phèo khi bị xã hội tuyệt giao, không coi là một con người.
Tiếng chửi của Chí là tiếng nói đau thương của một con người ý thức về bi kịch của mình: sinh ra là người nhưng không được làm người, sống giữa cuộc đời nhưng đã mất quyền làm người. Đó chính là sự đau xót của nhà văn đối với nhân vật của mình.

- Tiếng chửi là lời kết án toàn xã hội, cái xã hội vô nhân đã sinh ra hiện tượng Chí Phèo
- Thể hiện khát vọng được giao tiếp, được trở lại làm người, được hoà mình vào cộng động người của Chí Phèo, được trở thành người lương thiện.
- Thể hiện tài năng nghệ thuật của Nam Cao trong việc sử dụng ngôn ngữ trần thuật: đan xen ngôn ngữ của người kể chuyện và tâm trạng nhân vật,  trong cách miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật.

CÂU 2:  Ý nghĩa chi tiết rạch mặt ăn vạ của chí phèo ở nhà Bá Kiến:
-Khi vừa đi ở tù về, Chí Phèo uống rượu say rồi đến thẳng nhà Bá Kiến gọi tận tên tục ra mà chửi, chửi đến mức “mồ mả tổ tiên đến lộn lên mất”.
- Đánh dấu sự thay đổi trong tính cách Chí: từ một người nông dân hiền lành, lương thiện, Chí đã trở  thành kẻ lưu manh  với những cách ứng xử và hành động cô đồ học được từ nhà tù thực dân.
- Khẳng định bi kịch của người nông dân bị đẩy vào bước đường cùng, bị lưu manh hóa, phải bán cả nhân hình, nhân tính để tồn tại.
-Phần nào đó thể hiện được trạng thái “tỉnh” của Chí Phèo, dù đã biến dạng về nhân hình, nhân tính, dù bao nhiêu năm ở tù nhưng dường như Chí vẫn biết rõ Bá Kiến là kẻ đã đẩy Chí vào tù. Không phải ngẫu nhiên mà khi vừa đi ở tù về Chí lại đến thẳng nhà Bá Kiến mà chửi.
- Thể hiện bản chất thâm hiểm, gian ngoan của Bá Kiến.

CÂU 3:  Ý nghĩa chi tiết: “Hình như có 1 thời hắn đã ước ao có 1 gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê vợ dệt vải…”.
-Chí Phèo đã vô tình gặp thị Nở trong một đêm trăng trong vườn chuối nhà hắn khi hắn uống rượu say về. Thị Nở không chỉ khơi dậy bản năng của Chí mà thị còn đánh thức phần người bị ngủ quên bấy lâu trong Chí. Chí đã sống dậy những cảm xúc nhân tính, cảm nhận được vẻ đẹp và nhịp sống của con người, của những người lương thiện. Sau bao nhiêu năm sống trong vô thức trong kiếp sống của thú vật tăm tối, u mê, tình người của thị Nở đã khiến Chí thức dậy ước mơ thời quá khứ lương thiện của Chí: “hình như có một thời…”.
- Thể hiện phần tốt đẹp, lương thiện không bao giờ mất đi trong con người Chí dù đã có cả một khoảng thời gian dài sống trong lốt con thú vật, sống triền miên trong coi say, trong tăm tối, u mê, vô thức. Việc Chí nhớ lại cái ước mơ thuở nào đánh dấu quá trình thức tỉnh và khát khao trở thành người lương thiện của anh.
- Thể hiện tình yêu thương con người của nhà văn Nam Cao, niềm tin vào sức sống của bản tính tốt đẹp của con người, khẳng định giá trị nhân đạo sâu sắc và toàn diện của tác phẩm: phát hiện, nâng niu, trân trọng những phần tốt đẹp bị khuất lấp, bị lãng quên, bị vùi sâu bên trong cái vẻ ngoài độc dữ, thú vật của Chí.
- Thể hiện tài năng trong nghệ thuật miêu tả tâm lí của nhà văn.
-Chi tiết này cũng khẳng định vai trò to lớn của tình người trong việc đánh thức, khơi dậy nhân tính của nhân vật Chí Phèo, trong việc bảo tồn và phát triển nhân tính của con người trong cộng đồng người nói chung.

Câu 4: Tác phẩm Chí Phèo từng có những nhan đề nào? Nhận xét về Ý nghĩa các nhan đề của tác phẩm “Chí Phèo”?
- “Chí Phèo” là kiệt tác của văn học hiện thực nói chung và là kiệt tác của Nam Cao nói riêng. Tác phẩm gây tiếng vang lớn, đã đưa tên tuổi của Nam Cao lên vị trí hàng đầu của Văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 – 1945. Tác phẩm có nhiều tên gọi khác nhau.
- Đầu tiên, Nam Cao đặt nhan đề : Cái lò gạch cũ. Sau đó, khi đưa in, NXB tự ý đổi tên thành Đôi lứa xứng đôi. Năm 1946, khi in lại trong tập Luống cày, Nam Cao đã đặt lại tên tác phẩm là Chí Phèo.
- Ý nghĩa của các nhan đề:
+Cái lò gạch cũ: biểu tượng về sự xuất hiện tất yếu của hiện tượng Chí Phèo; thể hiện sự luẩn quẩn, bế tắc trong cuộc đời, số phận của người nông dân bị tha hoá trước Cách mạng tháng 8. Nhan đề này phù hợp nội dung nhưng thể hiện cái nhìn hiện thực ảm đạm, bi quan của nhà văn về cuộc sống và tiền đồ người nông dân đương thời, có thể cho người đọc thấy rằng quá trình tha hoá mới là mạch vận động chính của tác phẩm chứ không phải là quá trình hồi sinh của Chí.
+Đôi lứa xứng đôi: do Nhà xuất bản dựa vào mối tình giữa thị Nở, một người phụ nữ xấu “ma chê quỷ hờn”, với Chí Phèo, con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Tập trung vào mối tình này mang tính chất giễu cợt, cười mỉa nhiều hơn là sự cảm thông và trân trọng. Nhan đề này mang tính chất gợi sự tò mò cho độc giả nhằm thu hút độc giả, nhằm vào mục đích thương mại chứ không gắn với chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
+Chí Phèo: nhan đề này cũng là tên nhân vật chính trong truyện. Nó thể hiện một cách đầy đủ nhất về con người này cả về số phận, tâm tình, tính cách…  Nó khái quát súc tích, đầy đủ nhất về chủ đề, giá trị của tác phẩm và  tư tưởng nghệ thuật của nhà văn.

Câu 5: Ý nghĩa hình tượng bát cháo hành ?

Bát cháo hành là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm Chí Phèo góp phần thể hiện giá trị nhân đạo của tác phẩm.
- Bát cháo ấy không những giúp Chí thoát khỏi trận ốm đang hoành hành mà hơn hết, nó là liều thuốc giải độc cho quãng đời tội lỗi của Chí Phèo.
- Tuy nhiên hương vị của bát cháo hành cũng làm tăng thêm bi kịch mồ côi của Chí Phèo. Hương vị bát cháo hành cũng là hương vị của tình yêu Thị Nở, làm xúc động Chí, đây là lần đầu tiên Chí có tình cảm của một con người: bâng khuâng buồn, vui hồn nhiên như đứa trẻ “muốn làm nũng với thị như với mẹ”.
- Chí sung sướng hạnh phúc khi cảm nhận được vi ngọt của tình yêu qua bát cháo hành của thị. Vì vậy, bát cháo hành của thị chất chứa tình yêu thương chân thành của con người  đã biến Chí thành một con người khác hẳn, biến Chí từ một thằng lưu manh, một con quỷ dữ chuyên rạch mặt ăn vạ, đâm chém và phá phách mù quáng thành một anh nông dân lương thiện, hiền lành với biết bao những cảm xúc, nghĩ suy của một con người khát khao được trở về với xã hội loài người, khát khao được làm người lương thiện . Bát cháo đầy tình yêu thương của Thị đã giúp Chí lột đi vỏ quỷ để trở lại làm người.
-Bát cháo cung là biểu tượng của tình người, nó góp phần khẳng định tư tưởng nhân đạo của Nam Cao: khẳng định sức sống của nhân tính, của tình người. Chí Phèo từng là con quỷ dữ, mất hết năng lực của con người, nay được tình người chạm đến thì nhân tính bừng dậy mạnh mẽ. còn thị Nở, người phụ nữ xấu xí đến mức không ai dám đến gần, người dân làng Vũ Đại “tránh thị như tránh một con vật gì rất tởm” nhưng ở thị lại có cái tình đồng loại rất xúc động, tình người rất đáng trân trọng.

Câu 6: Trong tác phẩm “Chí Phèo”, Nam Cao đã kết thúc như sau:

“Và nhớ lại những lúc năn nằm với hắn, thị đã nhìn trộm bà cô, rồi nhìn nhanh xuống bụng:
- Nói dại, nếu mình chửa, giờ hắn chết rồi, thì làm ăn thế nào?
Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người qua lại…”
(Ngữ văn 11, tập 1)
Anh (chị) hãy bình luận cách kết thúc nói trên.

Trả lời:
- Kết thúc tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao đầy ám ảnh không chỉ tạo nên một kiểu kết thúc khép kín, đầu cuối tương ứng mà còn để lại một nỗi day dứt và bi thương trong lòng độc giả. “Cái lò gạch cũ” đầu tác phẩm là nơi mở đầu một số phận, một kiếp người đau khổ đầy bi kịch thương tâm.
- Hình ảnh “cái lò gạch cũ” ở cuối tác phẩm không phải là một hình ảnh thực mà là một hình ảnh tưởng tượng nói lên rằng: “Rất có thể từ cái lò gạch cũ ấy, Thị Nở lại cho ra đời một Chí Phèo con ngỗ ngược hơn bố nó để nối nghiệp. Điều ấy chưa có gì đảm bảo, nhưng có điều chắc chắn rằng chừng nào còn tồn tại xã hội “người ăn thịt người”, thì chừng ấy còn tồn tại hiện tượng Chí Phèo”.
- Nghĩa là Chí Phèo chết, nhưng hiện tượng Chí Phèo chưa chấm dứt (Hiện tượng Chí Phèo là hiện tượng hàng vạn người nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa và khi ý thức nhân phẩm trở về thì lại bị xã hội lạnh lùng cự tuyệt để phải tìm đến cái chết thảm thương). Giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm được toát ra từ một chi tiết giản dị như thế. Qua chi tiết này, Nam Cao lúc đó hình như cảm thấy số phận người nông dân cứ rơi vào một vòng luẩn quẩn “Con kiến mà leo cành đa, leo phải cành cụt leo ra leo vào” không lối thoát. Đây là một cái kết đầy bi quan khác xa với kết thúc của truyện ngắn Vợ Nhặt (Kim Lân). Kết thúc tác phẩm này là hình ảnh đoàn người đói và lá cờ đỏ báo hiệu cách mạng đã trở về, chỉ có cách mạng mới có thể giải phóng cho nỗi thống khổ của nhân dân.

Câu 7: Ý nghĩa của hình ảnh cái lò gạch cũ.
-Cái lò gạch xuất hiện ở đầu tác phẩm: sự ra đời của Chí Phèo. Một anh đi thả ống lươn nhặt được Chí Phèo trần truồng và xám ngắt trong chiếc váy đụp bên cái lò gạch bỏ không.=> Chí Phèo vừa mới ra đời đã bị vứt bên lề cuộc sống phải nhờ vào lòng trắc ẩn của người qua lại mới được tồn tại và lớn lên. Điều đó đã gợi ra ở Chí một số phận bất hạnh, đắng cay.
-Cái lò gạch cu xuất hiện ở cuối tác phẩm: Khi Chí Phèo chết, bà cô thị Nở đay nghiến thị, thị nhìn nhanh xuống bụng và thoáng thấy hiện ra cái lò gạch cũ. Nó gợi lên sự ám ảnh ghê gớm về sự bế tắc của số phận và cảnh ngộ người nông dân, đồng thời làm nổi bật lên hiện tượng Chí Phèo vẫn đang tồn tại trong xã hội cũ. Nó góp phần làm tăng giá trị hiện thực cho tác phẩm,


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét