Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

XUÂN VỀ - Nguyễn Bính



                                      XUÂN VỀ
                                               Tác giả:  Nguyễn Bính

Đã thấy xuân về với gió đông,
Với trên màu má gái chưa chồng.
 Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
 Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.

Từng đàn con trẻ chạy xun xoe,
 Mưa tạnh, giời quang, nắng mới hoe.
 Lá nõn, nhành non, ai tráng bạc ?
 Gió về từng trận, gió bay đi...

 Thong thả dân gian nghỉ việc đồng,
 Lúa thì con gái mượt như nhung.
 Đầy vườn hoa bưởi, hoa cam rụng,
 Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.
  
Trên đường cát mịn, một đôi cô,
 Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa.
 Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,
 Tay lần tràng hạt miệng nam mô
                                  1937
                             (Tâm hồn tôi)
Thi sĩ Nguyễn Bính xuất hiện trong phong trào Thơ mới trước năm 1945. Phong cảnh đồng quê, hình ảnh cô thôn nữ, bến đò ngang, phiên chợ Tết... được Nguyễn Bính nói lên một cách bình dị, thân mật đáng yêu. "Tương tư", "Chợ Tết", "Mưa xuân", "Xuân về",... là những bài thơ hay của ông được nhiều người yêu thích.
Bài thơ "Xuân về" là một bức tranh xuân có bốn cảnh xinh xắn, thân mật về đồng quê, làng quê Việt Nam hơn 70 năm về trước. Con người và cảnh sắc nông thôn đã được thi vị hóa qua một hồn thơ lãng mạn tài hoa.
Cảnh xuân thứ nhất nói về cô thôn nữ khi gió đông (gió xuân) thổi về. Gió xuân mang hơi ấm và khí xuân làm hồng lên đôi má "gái chưa chồng", tuổi xuân mơn mởn. Cô láng giềng, cô hàng xóm của nhà thơ bâng khuâng nhìn “giời” với "đôi mắt trong" như đang ước hẹn, đợi chờ ai... Bức tranh xuân trẻ trung, tình tứ được chấm phá qua hai hình ảnh "màu má gái chưa chồng""đôi mắt trong" của cô hàng xóm đang "ngước mắt" nhìn trời xuân:
 "Đã thấy xuân về với gió đông,
 Với trên màu má gái chưa chồng.
 Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
 Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong".
       Cảnh xuân thứ hai vừa đẹp, vừa sống động, hồn nhiên và tươi xinh. Gió xuân thổi về từng trận, rồi "gió bay đi", gợi lên sự phơi phới của sức xuân. Sau những tháng ngày mưa xuân, mưa bụi trắng trời, nay mưa đã tạnh, bầu trời rất đẹp, một không gian ấm áp: "giời quang, nắng mới hoe". Nắng mới là nắng đầu xuân: "nắng mới hoe" là nắng hồng nhạt. Cỏ cây đâm chồi nảy lộc:
 "Lá nõn, nhành non, ai tráng bạc?".
       "Lá nõn" là những mầm lá, những lá non màu xanh ánh mướt, "nhành non" là những cành tơ mới nẩy lộc có nhiều lá nõn màu xanh sáng như ngọc. Nhà thơ sung sướng ngạc nhiên nhìn "lá nõn, nhành non" rồi thốt lên hỏi: "ai tráng bạc ?". Lá xuân mỡ màng, non tơ sáng ngời lên lấp lánh. Các chữ: "nõn", "non", "bạc?", đã gợi lên sắc xuân và sức xuân kỳ diệu. Thi sĩ Xuân Diệu cũng đã nói hoa, lá, cành mùa xuân, cũng nói đến "cành tơ" đầy gợi cảm:
 "Của ong bướm này đây tuần tháng mật
 Này đây hoa của đồng nội xanh rì
 Này đây lá của cành tơ phơ phất...".
(Vội vàng)
       Cảnh xuân càng trở nên rộn ràng, vui tươi và hồn nhiên khi xuất hiện "Từng đàn con trẻ chạy xun xoe". Các em nô đùa, các em đón nắng mới, các em theo bà, theo chị đi trẩy hội mùa xuân. Cảnh xuân càng trở nên ý vị đậm đà.
       Nét xuân đẹp thứ ba trong bức tranh xuân của Nguyễn Bính mở ra một không gian nghệ thuật rộng lớn gợi lên cái hồn quê buổi xuân về. Giêng, Hai là thời gian nông nhàn, bà con dân cày đã "nghỉ việc đồng", ai nấy đều tíu tít trong lễ hội mùa xuân. Cánh đồng làng bát ngát "Lúa thì con gái mượt như nhung". Một so sánh rất hay, rất gợi cảm làm hiện lên những cánh đồng quê lúa xanh thắm, biển lúa êm đềm "mượt như nhung". Vườn tược, xóm thôn nở trắng màu hoa cam, hoa bưởi "ngào ngạt hương bay". Mùi thơm nồng nàn, quấn quýt "bướm vẽ vòng". Cảnh bướm, hoa trong vườn xuân thật trữ tình nên thơ:
 "Đầy vườn hoa bưởi, hoa cam rụng,
 Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng".
       Chữ "đầy", chữ "ngào ngạt" là hai nét vẽ gợi lên cái thần, cái hồn của vườn xuân chốn quê. Nguyễn Bính đã đem cái tình yêu mùa xuân, yêu làng mạc đồng quê để viết nên những câu thơ tuyệt bút về hương hoa, về bướm hoa mùa xuân.
       Một nét đẹp nữa trong bức tranh "Xuân về" là cảnh đi trẩy hội. "Một đôi cô" duyên dáng, tươi xinh trong bộ đồ dân tộc: "yếm đỏ, khăn thâm" đi trẩy hội chùa. Các cụ già, bà già "tóc bạc" lưng còng, tay chống gậy trúc, vừa đi vừa lần tràng hạt, miệng lầm rầm tụng niệm nam mô. Có cái phơi phới, say mê của cô gái quê. Có cái phúc hậu, thánh thiện của tuổi già. Cảnh trẩy hội xuân vừa tưng bừng náo nhiệt, vừa dân dã hồn hậu đáng yêu. Ta cảm thấy như mình đang được sống lại lễ hội mùa xuân của làng quê hàng trăm năm về trước:
 "Trên đường cát mịn, một đôi cô,
 Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa.
 Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,
 Tay lần tràng hạt miệng nam mô".
       "Xuân về" là một bài thơ xuân đẹp, cho ta nhiều ấn tượng và yêu thích. Những nét vẽ về "lá nõn, nhành non...", về lúa con gái, "mượt như nhung", về hoa bưởi hoa cam rụng đầy vườn "ngào ngạt hương bay", với "bướm vẽ vòng"… Tất cả đã gợi lên một bức tranh xuân tươi đẹp, đầy hương sắc, rất mặn mà, thân thuộc. Bức tranh xuân ấy còn có hình ảnh thiếu nữ với má hồng, mắt trong, duyên dáng đi hội chùa làng, với "yếm đỏ, khăn thâm"; còn có bà già đi hội, tay chống gậy trúc, tay lần tràng hạt, miệng nam mô. Cảnh xuân, tình xuân được nhà thơ nói đến rất bình dị, mộc mạc, mà rất thân thuộc đậm đà, đáng yêu. Nguyễn Bính đã gợi lên cái hồn quê nơi thôn dã, đã để thương để nhớ trong lòng người bấy lâu nay.
       Tình quê, hồn quê là nét đẹp trong "Xuân về" của Nguyễn Bính. Thơ trong sáng, dung dị vơi đầy một tình xuân, một cảnh xuân nơi đồng quê thật đầm ấm và rung động, thiết tha. Thơ Nguyễn Bính dịu dàng, êm đẹp như ca dao, dân ca với sức sống muôn đời.
Tạ Đức Hiền

LÀNG QUAN HỌ - Nguyễn Phan Hách


               LÀNG QUAN HỌ
                                        Tác giả: Nguyễn Phan Hách
Sông Cầu làm bao xanh
Ngang lưng làng Quan họ
Những cánh buồm nhớ thuơng
Câu ca đầu ngọn gió
Mẹ giặt yếm bên sông
Đêm trăng thanh hát gọi
Con nuớc chảy lơ thơ
Con cò đi lặn lội
Tháng Giêng mùa hát hội
Áo nâu ướp huơng trầm
Nón thúng quai thao rủ
Buông dài nếp xống thâm
Chen nhau sau khóm trúc
Trồng cơm vỗ bập bùng
Mắt như dao cau ấy
Nhìn bên Đoài bên Đông
Cửa đình hồ bán nguyệt
Chị cả tựa mạn thuyền
Anh hai ngồi bẻ lái
Quan họ về trao duyên
Anh dắt em qua cầu
Cởi áo đưa cho nhau
Nhớ về nhà đòi mẹ
Gió bay rồi còn đâu
Làng Quan họ quê tôi
Những ngày bom Mỹ dội
Quán đổ dưới gốc đa
Chín nhịp cầu đứt nối
Pháo lên núi Thiên Thai
Súng truờng lên Quán Dốc
Loan phượng vẫn ăn xoài
Vuờn xoan đào vẫn mọc
Em tiễn anh lên đường
Đứng bên bờ em hát
Muốn gửi đi theo anh
Cả dòng sông trong mát
Mẹ mang nuớc lên đồi
Yêu các con mẹ hát
Bao nhiêu máy bay rơi
Sau mái đầu tóc bạc…
Thuyền thúng thuyền thúng ơi
Có ghé về tỉnh Bắc
Nghe tiếng hát quê tôi
Trên tầm bom đạn giặc

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

LAI LỊCH BÀI THƠ "CẢNH KHUYA" CỦA HỒ CHÍ MINH

LAI LỊCH BÀI THƠ "CẢNH KHUYA" CỦA HỒ CHÍ MINH

Các sách giáo khoa, khi trích bài này thường chỉ ghi có bốn câu vì đó là bốn câu hay nhất,  vừa tả cảnh, vừa tả tình cảm của Bác. Thực ra, bài thơ còn có nhiều câu khác.
Năm 1947, khi chính phủ ta chuyển lên chiến khu Việt Bắc, giặc Pháp đã nhảy du xuống Việt Bắc với ý đồ bắt gọn Trung ương của ta (cụ Nguyễn Văn Tố hi sinh trong trận địch đổ bộ này). Trên đường di chuyển địa điểm, bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn làm thơ và mời luật sư Phan Anh hoạ lại. Nguyên văn bài thơ như sau:

Đêm khuya nhân lúc quan hoài
Nên câu thơ thẩn chờ ai hoạ vần
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
Nước nhà đang gặp bước gay go
Trăm việc ngàn công đều phải lo
Giúp đỡ nhờ anh em gắng sức
Sức nhiều thắng lợi lại càng to

Luật sư Phan Anh  (tuy tuổi đời chênh lệch, còn trẻ nhiều so với Bác nhưng được Bác coi như bạn thân) đã hoạ lại như sau:

Hoạ vần xin gửi cho ai
Đường xa se tấm quan hoài nước non
Quanh  co dòng suối cảnh đường xa
Trời có trăng mà núi có hoa
TRăng sáng bao la trời, đất, nước
Hoa thơm phảng phất nhị hương nhà
Nước nhà tuy gặp bước gay go
Lái vững chèo dai ta chẳng lo
Vượt sóng dựng buồm ta lựa gió
Thuận chiều sẽ mở cánh buồm to.

(Trịnh Mạnh viết theo tư liệu của Trần Ngọc Thám trong Tạp chí Tổ quốc).

TIẾNG VIỆT - BÙI ĐÌNH KHÔI

                      TIẾNG VIỆT

                                               Tác giả: Bùi Đình Khôi

Cha ông trao ta Tiếng Việt,
Ngàn vạn năm xưa,
Không biết tự bao giờ.

Tiếng Việt đẹp trong từng âm tiết,
Mẹ ru ta,
Từ thuở ấu thơ.

Mẹ thì nghèo
Tiếng Việt đẹp như mơ.
Mẹ trầm lặng, 
Tiếng Việt như tiếng hát.
Khi yêu nhau, 
Lời như dòng nước mát.
Lúc hờn căm,
Như bão táp thét gào.

Tiếng Việt giàu 
Của mẹ cha trao
Ta trân trọng
Nâng niu từng tiếng một
Xin chớ để thói học đòi tuỳ hứng
Làm mất đi
Sự trong sáng vô cùng.

Bài thơ : LẬP ĐÔNG - Tác giả Quang Huy

                                          LẬP ĐÔNG

Đã run run chiếc lá vàng
Đã hiu hiu rét, đã bàng bạc mây
Cánh cò đã trễ tràng bay
Đã len lén ngọn heo may chim về.         
Đã rầu rĩ cỏ ven đê
Đã chầm chậm nước sông về chiều nay.
Đồng xa vẫn dẻo tay cày,
Bóng cha lẫm lũi cuối ngày lập đông.

                                              Tác giả: Quang Huy

TIẾNG VIỆT LÍ THÚ - NHỮNG ĐIỀU TIỀM ẨN TRONG MỘT BÀI CA DAO

NHỮNG ĐIỀU TIỀM ẨN TRONG MỘT CÂU CA DAO
                    
                           “Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt trời không thấy người thương”
 Câu ca dao trên vẫn được nhiều người khen hay. Vậy hay ở chỗ nào? Người xưa phân tích thơ thường xét bốn yếu tố: ý, tình, hình, nhạc. Ngày nay ta cũng không thể bỏ qua bốn yếu tố đó.
Mới đọc qua, câu thơ này diễn tả nỗi nhớ nhưng của người nói (có thể là người con trai hoặc người con gái) với người thương ở phương xa. Nhưng đi sâu tìm hiểu ta càng thêm nhiều điều mới mẻ. Thử lấy lời một cô gái mà phân tích. Cô gái ở đây trách ngọn núi quá cao, che cả mặt trời, làm cho ta tưởng chừng người thương của cô cũng rộng lớn, rực rỡ như mặt trời và cô gái vắng xa người thương cũng dường như bị khuất bóng mặt trời vậy. Trong câu  thứ nhất có bóng dáng chót vót của ngọn núi. Trong câu thứ hai, đằng sau bóng dáng của ngọn núi có thêm bóng dáng của mặt trời. Mặt trời tuy rực rỡ chói chang vậy mà bị ngọn núi che khuất nên ta thấy ở đây có một bóng chiều tà mênh mông trong không gian. Từ chuyện núi che mặt trời ta nghĩ đến cái sâu xa rộng lớn của tình người.
Tuy vậy, ý hay chưa đủ làm thơ hay. Phải có lời hay tức là phải có âm thanh, giai điệu. Câu đầu vút lên như một lờn oán trách được thốt ra thành tiếng kêu: “Núi cao chi lắm núi ơi!”. Sáu tiếng đều là thanh cao (ba thanh sắc và ba thanh ngang) đã góp phần tả chiều cao của núi và độ cao của tình cảm. Sang câu thứ hai, giọng thơ bỗng hạ thấp xuống: “Núi che mặt trời…” (“mặt” là thanh trắc thấp, “trời”  là thanh bằng thấp). Tiếng “trời” lại chính giữa câu hát (vần lưng) làm cho giọng nói bị ngắt quãng, nghẹn ngào. Bốn tiếng nối tiếp “không thấy người thương” gồm nhiều âm tố nên khi đọc hoặc ngâm phải kéo dài, làm cho câu thơ không vút cao mà lan toả mãi như không dứt.
Cô gái ở đây không phải đứng yên để tả núi. Cô hướng về ngọn núi mà oán trách. Giọng cô không được bình tĩnh vì lòng cô có bình tĩnh đâu. Nhưng cơn cớ chi lại gọi, lại trách núi? Núi kia, dù có cao thì cũng chỉ là vật vô tri. Cái tội của núi là thế. Ngọn núi bị trách oan và ta thấy cô này vô lí. Nhưng ta lại thông cảm, cô trách là tại lòng cô thương nhớ quá. Tiếng gọi, tiếng trách kia thật ra là lời của nỗi lòng thương nhớ sâu nặng, mênh mang…
                       (Theo Trịnh Mạnh trong “Tiếng Việt lí thú” )

TIẾNG VIỆT LÍ THÚ - NHỮNG MIẾNG ĂN CÓ "DẤU THANH"



NHỮNG MIẾNG ĂN “CÓ DẤU THANH

A và B là những sinh viên rất yêu Tiếng Việt. Một hôm, hai anh góp tiền ăn thịt gà. A ngó vào mâm và nói:
-Tớ chỉ thích ăn những miếng có thanh huyền thôi.
B cười và đáp:
-Tớ đồng ý. Vậy những miếng có thanh sắc, hỏi, ngã, nặng sẽ dành cho tớ. Còn thanh ngang thì sao?
-Thanh ngang thì chia đôi!
Bữa ăn bắt đầu.
Mở đầu, A đánh vần lờ ong long huyền lòng và gắp luôn bộ lòng vào bát mình. A lại đọc mờ ê mê huyền mề và gắp tiếp.
B cũng đọc cờ ô cô hỏi cổ, cờ anh canh sắc cánh và gắp cổ, cánh.
A đọc tiếp lờ ươn lươn huyền lườn, mờ inh minh huyền mình, đờ ui đui huyền đùi và gắp những thứ vừa đọc.
B tưởng mình có bốn dấu thanh thì lợi nhưng đành chịu thiệt.
Chỉ đến lượt đôi chân, A đọc giờ o gio huyền giò. B lại đọc cờ ăng căng hỏi cẳng. Hai anh đành thoả thuận chờ ân chân và chia mỗi người một cái. Con chiếc phao câu, A nhường cho B và nói:
Thứ nhất phao câu, thứ nhì đầu cánh”. Thế là cậu được toàn miếng ngon.
                                                         (Theo Tạ Văn Thông)