Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

LUYỆN TẬP ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN - 2



LUYỆN TẬP: ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
(THAM KHẢO)

BÀI TẬP 1: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Câu 1.
“Ngồi trước bản thống kê với hơn 1.000 kết quả xét nghiệm huyết học được dùng cho ít nhất 2.000 bệnh nhân (trung bình một kết quả phiếu xét nghiệm được sử dụng cho 2-5 bệnh nhân), chúng tôi không khỏi giật mình vì sự liều lĩnh của phòng xét nghiệm – Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức.
Đọc kĩ hồ sơ, chúng tôi càng choáng, bởi lẽ, nhiều bệnh nhân khác xa nhau về bệnh án, lứa tuổi, nhưng đều được dùng chung một kết quả xét nghiệm.
Thí dụ, một kết quả xét nghiệm huyết học vào hồi 9h3 phút ngày 19.2.2013 được dùng cho 4 bệnh nhân: Nguyễn Thị Nguyên – 70 tuổi, chẩn đoán lao phổi; Nguyễn Trung Nghĩa – 27 tuổi, chẩn đoán áp xe cạnh hậu môn; Lý Thị Vân – 61 tuổi, chẩn đoán viêm phế quản của người cao huyết áo đang nằm ở khoa Hồi sức cấp cứu  và cháu Lương Kiều Trang – 12 tuổi, chẩn đoán viêm ruột thừa.
Với cách làm này, hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân như thế nào ai cũng có thể hình dung được!
(Theo báo điện tử Dân trí)

1.Văn bản trên viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
2.Nội dung của văn bản trên là gì? Đặt nhan đề cho văn bản?

Câu 2.
“Văn hoá – đó có phải là sự phát triển nội tại bên trong một con người hay không? Tất nhiên rồi. Đó có phải là cách ứng xử của anh với người khác không? Nhất định là phải. Đó có phải là khả năng hiểu người khác không? Tôi cho là thế. Đó có phải là khả năng làm cho người khác hiểu mình không? Tôi cho là như vậy. Văn hoá nghĩa là tất cả những cái đó. Một người không thể hiểu được quan điểm của người khác tức là trong chừng mực nào đó anh ta có hạn chế về trí tuệ và văn hoá...”
1.Văn bản trên nhấn mạnh nội dung gì?
2.Đặt tên cho văn bản trên?
3.Biện pháp nghệ thuật được sử dụng nhiều nhất trong đoạn văn bản trên?

BÀI TẬP 2: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:





Ta chào Việt Bắc ta xuôi
Quê hương cách mạng muôn đời suy tôn
Mẹ nghèo vẫn cố nuôi con:
Lúc bùi măng nứa, khi ngon củ mài
Sẻ từng hạt muối cắn đôi,
Nhà sàn chung ở, chăn sui đắp cùng.

Khi lên: non nớt, ngại ngùng
Khi về: thép ở trong lòng đã tôi
Xưa nay li biệt ngậm ngùi,
Giờ đây đưa tiễn là vui lên đường
Rời quê hương, đến quê hương
Thủ đô năm cánh sao vàng chờ ta
Tám năm Hà Nội cách xa
Tấm lòng Việt Bắc cùng ta trở về
(Xuân Diệu – Ta chào Việt Bắc, ta xuôi)




1.Anh/chị cho biết đoạn thơ trên viết theo thể thơ nào?
Qua đoạn thơ tác giả muốn thể hiện điều gì?
2.Chỉ ra biện pháp nghệ thuật và hiệu quả của nó được nhà thơ sử dụng trong hai câu thơ sau:
Khi lên: non nớt, ngại ngùng,
Khi về: thép ở trong lòng đã tôi
3.Đọc đoạn thơ trên, anh chị có liên tưởng đến đoạn trích, tác phẩm nào đã học trong chương trình Ngữ văn 12? Hãy chỉ ra điểm tương đồng giữa tác phẩm, đoạn trích đã học với đoạn thơ này?
4.Cảm nhận về đoạn thơ trên, có bạn học sinh đã viết: “Qua những giòng thơ viết về Việt Bắc đã cho người đọc thấy được tình cảm thiết tha, sâu nặng của thi nhân đối với mảnh đất này”.
Theo anh/chị, câu văn của bạn học sinh trên đã mắc phải những lỗi nào? Hãy nêu cách sửa?
BÀI TẬP 3:
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi cho ở dưới:
Thời gian đã lùi xa, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn, đồng thời để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Đó là bài học về tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa chống giặc đói, giặc dốt, vừa chống giặc ngoại xâm, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, dù cho chúng có mạnh tới đâu.
Bài học về phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường và sáng tạo, tìm tòi, xác định đúng đường lối cách mạng và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Bài học về xây dựng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc mà nòng cốt là liên minh công nhân – nông dân – trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Hồ Chí Minh vĩ đại.
Bài học về sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
(Diễn văn của chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại lễ Mittinh, diễu binh, diễu hành kỉ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 – 7/5/2014)

1.Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ gì?
2.Biện pháp tu từ gì được sử dụng nhiều nhất trong văn bản trên? Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó?
3.Cụm từ “... một mốc chói lọi trong lịch sử” nói lên điều gì?
4.Đặt tiêu đề cho văn bản trên?

BÀI TẬP 4: Cho đoạn thơ sau:





Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người
Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường!
Nhớ Người những sớm tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người..
(Việt BắcTố Hữu)





1.Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? Có sự hiệp vần ra sao?
2.Nội dung của bốn câu thơ là gì?
3.Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong đoạn thơ này? Nêu tác dụng?
4.Cảm xúc của nhà thơ trong đoạn thơ trên là cảm xúc như thế nào?

BÀI TẬP 5: Cho đoạn thơ sau:

Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông dường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ
(Thuyền và BiểnXuân Quỳnh)

1.Nội dung của đoạn thơ trên là gì?
2.Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào? Thể thơ đó có tác dụng ra sao với việc diễn đạt nội dung của đoạn thơ?
3.Biện pháp nghệ thuật được nhà thơ sử dụng trong những dòng thơ này? Nêu tác dụng?




HƯỚNG DẪN
Bài 1:
Câu 1: a. Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ báo chí.
b.Nội dung: nói về sự việc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đã nhân bản xét nghiệm, làm sai lệch hồ sơ bệnh án gây hậu quả nghiêm trọng. Bài báo đã quyết liệt phản đối và lên án việc làm thiếu y đức của Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức.
-Đặt nhan đề:
+Nhân bản xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức
+Lương tâm ngành y của Bệnh Viện ĐK HĐ?
+Bệnh viện ĐK HĐ và việc nhân bản xét nghiệm.
Câu 2:
1.Văn bản trên nhấn mạnh về vấn đề: văn hoá trong đời sống.
2.Đặt tên cho văn bản: Văn hoá là gì?
+Văn hoá.
3.Biện pháp nghệ thuật: điệp cấu trúc cú pháp: “Đó có phải là...”.
-Tác dụng: nhấn mạnh nội dung văn hoá, tính chất/biểu hiện của văn hoá trong đời sống mỗi người.
Bài tập 2:
1.Thể thơ: lục bát
-Nội dung đoạn thơ: nỗi niềm, cmar xúc bâng khuâng xúc động khi cán bộ Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Đoạn thơ thể hiện rất chân thành tình cảm biết ơn sâu nặng tới Việt Bắc của người về xuôi. Qua đó thể hiện đạo lí dân tộc: uống nước nhớ nguồn.
2.-Biện pháp nghệ thuật: tương phản – đối lập: khi lên – khi về, non nớt – thép đã tôi.
-Tác dụng: khẳng định chính Việt Bắc và những tháng ngày gian khổ của kháng chiến đã tôi luyện cho nhà thơ sự trưởng thành (trưởng thành trong nhận thức, trong hành động).
3.-Liên tưởng đến bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.
-Điểm tương đồng giữa hai đối tượng: nỗi niềm hoài niệm bâng khuâng và lòng biết ơn vô hạn của các bộ về xuôi đối với nhân dân Việt Bắc, địa danh Việt Bắc. Những tháng năm gắn nó nghĩa tình, đồng cam cộng khổ, giờ chia li bỗng nhớ thương cồn cào da diết khôn nguôi.
4. –Câu văn mắc lỗi về chính tả: giòng thơ -> dòng thơ.
-Lỗi về câu: Chưa phận định rõ thành phần chủ ngữ và trạng ngữ. => Sửa câu:
+Qua những dòng thơ viết về VB, nhà thơ Xuân Diệu đã cho người đọc thấy được tình cảm thiết tha, sâu nặng của thi nhân đối với mảnh đất này.
+Qua những dòng thơ viết về VB của nhà thơ Xuân Diệu, người đọc thấy...
+Những dòng thơ viết về VB đã cho người đọc thấy...
Bài tập 3:
1.Phong cách ngôn ngữ chính luận.
2.Biện pháp tu từ: điệp cấu trúc cú pháp: “Bài học về...”
-Tác dụng: nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa to lớn của chiến tháng ĐBP và những bài học quý giá cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta về lịch sử đấu tranh anh dũng, tinh thần yêu nước, sức mạnh thờ đại, khát vọng độc lập...
3.Cụm từ “... một mốc son chói lọi”: thể hiện tầm quan trọng của chiến tháng ĐBP. Từ đây, nhân dân ta bước sang một thời kì mới, thời kì độc lập tự chủ và xây dựng CNXH. Cũng từ mốc son ấy, Đảng và nhân dân ta đã xây dựng và củng cố vững chắc quân đội, hậu phương để tiến hành đấu tranh giải phóng miền Nam sau này.
4.Tiêu đề văn bản:
+Sức mạnh Điện Biên
+Bài học  Điện Biên
+Mốc son Điện Biên
Bài tập 4:
1.-Thể thơ: lục bát
-Hiệp vần:
+vần chân: Người – ngời, thường – sương, reo – đèo.
+Vàn lưng: xuôi – nguôi, ngời – tươi, sương – đường, đèo – theo.
2.Nội dung: thể hiện vẻ đẹp giản dị và gần gũi của Hồ Chí Minh, đồng thời là nỗi nhớ của Việt Bắc với Bác Hồ, nỗi nhớ của người về xuôi đối với Việt Bắc.
3.Biện pháp nghệ thuật: điệp từ “nhớ”: nhớ Người, nhớ Ông Cụ, nhớ chân Người.
-Tác dụng: làm tăng thêm nỗi nhớ khôn nguôi giữa người Việt Bắc và cán bộ chiến sĩ với chủ tịch HCM.
-Thủ pháp nhân hoá: suối reo, rừng núi trông theo bóng Người.
Tác dụng: nhấn mạnh tình cảm thuỷ chung của Việt Bắc với những người cách mạng, đặc biệt là đối với lãnh tụ đất nước – nỗi bồi hồi của Việt Bắc khi Bác về xuôi.
4.Cảm xúc của nhà thơ: tình cảm kính yêu đối với lãnh tụ; khẳng định tình cảm keo sơn, bền chặt giữa cán bộ và nhân dân VB.
Bài tập 5:
1.Nội dung: môi quan hệ giữa thuyền và biển, nỗi nhớ của những người đang yêu.
2.Thể thơ: ngũ ngôn hiện đại.
-Tác dụng: diễn đạt rất nhịp nhàng âm điệu của sóng biển cũng như sóng lòng của những người đang yêu.
3.Biện pháp nghệ thuật: ẩn dụ: thuyền và biển - ẩn dụ cho tình yêu của chàng trai và cô gái. Tình yêu ấy nhiều cung bậc, khi thương nhớ mênh mông, cồn cào da diết bâng khuâng khi quặn đau.
-Biện pháp nhân hoá: hình dung rõ hơn tâm trạng của đôi lứa yêu nhau. Cung bậc của sóng cũng là cung bậc tình yêu của tuổi trẻ.