Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

ÔN THI TỐT NGHIỆP 2013-2014: TÂY TIẾN (TÀI LIỆU THAM KHẢO)




                    BÀI 5: TÂY TIẾN – QUANG DŨNG.

CÂU HỎI 1: Hoàn cảnh sáng tác và chủ đề bài thơ “Tây Tiến”
a. Hoàn cảnh sáng tác:

       Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài nhưng nổi bật hơn cả là thơ ca. Thơ ông thể hiện cái tôi hào hoa thanh lịch, giàu chất lãng mạn. Nhắc đến Quang Dũng ta không thể quên "Tây Tiến" -  một thi phẩm đặc sắc trong đời thơ của ông. Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh sau:
         Sau khi cách mạng tháng 8 thành công, Quang Dũng gia nhập bộ đội. Năm 1947, ông tham gia đoàn quân Tây Tiến với chức vụ đại đội trưởng.
       Tây Tiến là đơn vị bộ đội thành lập năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào đánh tiêu hao lực lượng địch ở Thượng Lào, bảo vệ biên giới Việt – Lào, địa bàn hoạt động của đoàn binh rất rộng, suốt miền núi Tây Bắc từ Châu Mai, Châu Mộc sang Sầm Nứa cho tới miền Tây Thanh Hoá. Ngày ấy nơi đây còn rất hoang vu, hiểm  trở, núi cao sông sâu.
     Những người lính trong đoàn quân Tây Tiến năm ấy chủ yếu là học sinh, trí thức ra đi từ những mái trường, từ phố phường Hà Nội chiến đấu trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn về vật chất, chết vì sốt rét nhiều hơn là vì súng đạn. Tuy vậy, các anh vẫn phơi phới tinh thần lạc quan anh hùng.
   -   Người lính mang trong mình sự trẻ trung khoẻ khoắn, hào hoa, thanh lịch. Ở họ vừa cháy bỏng lí tưởng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” vừa mang trong mình nét lãng mạn mộng mơ. Nét độc đáo này của người lính "Tây Tiến" đã thực sự làm hồn thơ Quang Dũng rung động.
     -  Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác, khi dự hội nghị toàn quân ở Phù Lưu Chanh,  tác giả bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm kháng chiến cùng đồng đội ở đơn vị cũ trong những tháng năm ở miền biên cương Tây Bắc. Những ngày tháng gian khổ mà hào hùng ấy đã rung lên những dây tơ xúc cảm trong tâm hồn nhà thơ viết nên bài thơ "Tây Tiến". Bài thơ ban đầu có tựa đề “Nhớ Tây Tiến" in trong tập thơ “Mây Đầu Ô”, sau đó đổi thành Tây Tiến.

b. Chủ đề: Bài thơ thể hiện tình cảm sâu nặng của Quang Dũng về  đoàn binh T ây Tiến , về  vùng đất Tây Bắc – địa bàn hoạt động của đoàn binh Tây Tiến. Qua bài thơ, tác giả Quang Dũng ca ngợi, tự hào về  vẻ đẹp hào hùng, hào hoa  của người lính Tây Tiến, cũng là vẻ đẹp của những người lính trong kháng chiến chống Pháp; ngợi ca vẻ đẹp hùng vĩ và trữ tình,  thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc, vẻ đẹp của tình người ở Tây Bắc,  cũng là của  đất nước yêu thương.

CÂU HỎI :  Phân tích ý nghĩa nhan đề bài thơ:
- Bài thơ ban đầu  có tên là Nhớ Tây Tiến, sau khi  in lại đổi thành Tây Tiến.
- Điều đó có ý  nghĩa:
+  Đảm bảo tính hàm súc của thơ ,  cảm xúc chủ đạo chi phối mạch thơ (nỗi nhớ) được giấu kín. Không cần nói rõ ra là nhớ mà nỗi nhớ vẫn hiện lên tha thiết trong từng lời thơ, từng  hình ảnh thơ, từng câu, từng đoạn thơ.
+ Làm nổi rõ hình tượng trung tâm của tác phẩm: đoàn quân Tây Tiến.
+  Bỏ đi từ Nhớ  nhằm  vĩnh viễn hóa đoàn quân Tây Tiến - không chỉ là một đoàn binh sống trong nỗi nhớ tha thiết của Quang Dũng mà trở thành một hình tượng bất tử trong thơ.

CÂU HỎI: Đặc điểm nổi bật của bài thơ Tây Tiến ?
- Cảm hứng lãng mạn: Tác phẩm đã bày tỏ mạch cảm xúc tràn trề của cái tôi trữ tình - nỗi nhớ nồng nàn bao bọc cả bài thơ. Sử dụng nhiều hình ảnh gây ấn tượng mạnh, phát huy cao độ trí tưởng tượng khiến cho bài thơ có nhiều so sánh liên tưởng độc đáo. Đối tượng miêu tả có nhiều ấn tượng sâu đậm: con người Tây Tiến vừa mang những gần gũi, rất lãng mạn, hào hoa vừa mang nét phi thường mà rất chân thực;  thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ, dữ dội, có phần hoang sơ vừa thơ mộng trữ tình. Sử dụng rộng rãi thủ pháp đối lập: đối lập về hình ảnh, thanh điệu, tính cách của người lính TT.
- Âm hưởng bi tráng:bi” là đau buồn, “tráng” là khỏe khoắn, mạnh mẽ, hào hùng. Tác phẩm có âm hưởng bi tráng thường không né tránh những chuyện xót xa, đau lòng nhưng bao giờ cũng đưa đến những xúc cảm mạnh mẽ, rắn rỏi, chất hào hùng vẫn nổi bật. Tác giả đã nhắc đến những khó khăn gian khổ trong những cuộc hành quân, nói đến những mất mát, hi sinh, nhưng trong cái đau thương ấy đã hàm chứa những nét đẹp hùng. Bi mà không  luỵ. Cái bi được thể hiện bằng một giọng điệu, âm hưởng, màu sắc tráng lệ, hào hùng.
- Chất lãng mạn hoà hợp với chất bi tráng, tạo nên vẻ đẹp độc đáo của bài thơ.

CÂU HỎI: Nội dung (ý nghĩa văn bản) và nghệ thuật của bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.
- Nội dung: Bài thơ đã khắc hoạ thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên nền cảnh núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội. Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng sẽ luôn đồng hành trong trái tim và trí óc của mỗi chúng ta.
- Nghệ thuật: bút pháp lãng mạn, tài hoa, sử dụng rộng rãi thủ pháp đối lập cùng những sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ và giọng điệu; cảm xúc chân thật.

CÂU HỎI: Nêu cảm xúc chủ đạo của bài thơ:
Bài thơ được viết trong nỗi nhớ da diết của Quang Dũng về đồng đội, về những kỉ niệm của đoàn quân Tây Tiến gắn liền với khung cảnh thiên nhiên miền Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ nhưng cũng rất trữ tình, thơ mộng.

ĐOẠN 1: Những cuộc hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ và dữ dội.
 - Cảm xúc chủ đạo xuyên suốt bài thơ là một nỗi nhớ da diết bao trùm cả khộng gian và thời gian.
     "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
      Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"
-Mở đầu bài thơ tác giả khẳng định nỗi nhớ về vùng đất và nỗi nhớ về đoàn quân: trong một câu thơ mà có hai từ chỉ tên riêng: Sông Mã và Tây Tiến. Từ “xa rồi” xác nhận một hiện thực là cả vùng đất Tây Bắc và đoàn quân Tây Tiến đã lùi xa vào quá khứ, giờ chỉ còn là nỗi nhớ.
- Nỗi nhớ đơn vị cũ trào dâng, không kìm nén được, nhà thơ thốt lên thành tiếng gọi “Tây Tiến ơi!”.
 - Hai chữ “ chơi vơi” vẽ ra trạng thái cụ thể của nỗi nhớ. Đó là nỗi nhớ da diết, lửng lơ, mênh mang khôn cùng. Điệp từ “nhớ” trong câu thơ thứ hai đã bao quát cảm hứng chủ đạo  của toàn bài thơ
- Nỗi nhớ ấy khơi nguồn cho cảnh núi cao, dốc sâu, vực thẳm liên tiếp xuất hiện:
    Sài Khao sương lấp ...... mưa xa khơi
+ Đọan thơ này là minh chứng khẳng định rằng “ trong thơ có họa”.Tác giả đã vẽ ra một bức tranh hoành tráng để diễn tả sự hiểm trở và dữ dội,  hoang vu và heo hút nhưng cũng khá thơ mộng của địa bàn mà đoàn quân TT họat động. Đó là nơi có “sương lấp”, những bản làng mưa sương giăng mắc, những cánh rừng già quanh năm mưa sương bao phủ, những vùng đất ít dấu chân người đặt tới. Đó là nơi có ”hoa về trong đêm hơi”, những con đường hành quân đêm có hương  rừng thoảng nhẹ, làn sương mát dịu... Ngôn ngữ thơ thật tinh tế. Nếu viết “hoa nở trong đêm sương” thì nặng nề quá! Còn hoa về trong đêm sương thì thật là sự hài hoà tuyệt diệu.
-Nhưng, nổi bật nhất là những từ ngữ có giá trị tạo hình “khúc khuỷu, thăm thẳm, cồn mây súng ngửi trời”. Địa hình ở đây thật hiểm trở, trùng điệp, cao, sâu khôn cùng.
+ Hai từ “ngửi trời” được dùng rất hồn nhiên, tinh nghịch và sáng tạo. Núi cao tưởng như chạm mây, mây tụ lại thành cồn heo hút. Người lính hành quân trong địa hình ấy khác nào đang đi trong mây, nòng súng chạm đỉnh trời!
- Câu thơ “ Ngàn......xuống” như bẻ đôi một ra mà gấp khúc lại, nhằm tạo dốc núi lên thì cao vút, xuống thì thẳng đứng. Nó làm ta liên tưởng tới câu thơ trong “Chinh phụ ngâm”: Hình khe thế núi gần xa –   Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao”.
- Còn câu “ Nhà ai....khơi” lại giúp ta hình dung cảnh người lính TT dừng chân bên đồi, phóng tầm mắt ra xa, họ thấy trong không gian mịt mù mưa sa có những ngôi nhà thấp thóang ẩn hiện.
=>NX: Những câu thơ này tạo một sự hài hòa khá đặc biệt. Sau các câu có những từ ngữ gân guốc, trúc trắc là một câu mềm mại tòan thanh bằng.
-Trong không gian và thời gian ấy, luôn có những mối đe dọa đáng sợ:
         Chiều chiều..........
................trêu người.”
Từ “chiều chiều”, “đêm đêm” như nhấn mạnh sự thường trực của những âm thanh rùng rợn phát ra từ tiếng thác chảy và tiếng gầm của vị chúa sơn lâm.
*Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến:
-Họ mang trong mình một tâm hồn lãng mạn: cảm nhận được tất cả vẻ đẹp hùng vĩ và dữ dội của vùng đất mà bước chân họ đã từng đặt tới: núi cao, vực sâu, núi thẳm, mưa rừng, hoa núi...
-Họ rất tinh nghịch và trẻ trung: núi cao chạm mây trời nhưng họ đã có một cách đo độ cao rất độc đáo: “súng ngửi trời”. Biện pháp nghệ thuật nhân hoá đã đem đến hiệu quả bất ngờ, để lại những ấn tượng độc đáo cho người đọc.
- Họ cũng là những con người rất đời thường: Trong những cuộc hành quân qua những vùng hiểm trở, người lính Tây Tiến phải đối diện với những gian khó nhọc nhằn, cảm nhận được tất cả những khó khăn trên đường hành quân, thấy được sự khắc nghiệt của thời tiết, mưa rừng sương núi, những trập trùng đèo dốc... Những câu thơ dày đặc thanh trắc khiến người đọc như nghe cả được những bước chân nặng nề, những tiếng thở nhọc nhằn khi vượt qua đèo dốc...
- Người lính Tây Tiến, trên con đường hành quân, thậm chí có những hi sinh: “đoàn quân mỏi”, “không bước nữa”, “bỏ quên đời”. Nhà thơ Quang Dũng không nói về những trận đánh, không nói đến sự đối mặt trực tiếp với quân thù, không một tiếng súng  nhưng cái chết vẫn hiện hình. Họ đã hi sinh dọc đường hành quân. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng đã nói tới hiện thực này: “Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội - Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh” (Đất Nước). Bằng tình yêu mến và thái độ trân trọng với đồng đội và cảm hứng lãng mạn, nhà thơ đã dùng các nói giảm, nói tránh: “không bước nữa”, “bỏ quên đời” để khẳng định sự hi sinh là tự nguyện, thanh thản. Nhưng dù đã nói giảm nhưng sự hi sinh vẫn hiện lên rất nhiều bởi các từ chỉ cái chết được lặp lại để nói tới sự khắc nghiệt của cuộc kháng chiến chung của dân tộc.
- Tuy nhiên, hai câu kết lại vẽ ra một cảnh tượng thật đầm ấm:
Nhớ ôi..........thơm nếp xôi
 Khói cơm nghi ngút và mùi hương của lúa nếp như xua tan đi những mệt nhọc trên khuôn mặt họ. Người lính Tấy Tiến được chan hoà cùng tình quân dân thắm thiết. Không khí gia đình thân mật đã tiếp thêm sức mạnh cho họ trên những chặng đường hành quân nhọc nhằn xuyên rừng núi và những hiểm nguy đe doạ từng ngày, từng đêm.
=> Nhận xét: Trong nỗi nhớ quay quắt của nhà thơ, thiên nhiên núi rừng miền biên giới Việt -  Lào hiện lên thật dữ dội mà thơ mộng, khắc nghiệt và bí hiểm như muốn thử thách ý chí và sức mạnh của con người. Nhưng, dù có mất mát, hi sinh, đoàn quân Tây Tiến đã vượt qua tất cả bằng sự tin tưởng, trẻ trung và ý chí kiên cường, sẵn sàng “ đâu có giặc là ta cứ đi”.

ĐOẠN 2: Những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong đêm liên hoan và cảnh sông nước TB thơ mộng.
a/ Cảnh một đêm liên hoan văn nghệ.
Doanh trại................xây hồn thơ.”
- Cả doanh trại bừng sáng, sôi nổi hẳn lên khi đêm văn nghệ bắt đầu. “Bừng  lên” vừa đột ngột, bất ngờ vừa thú vị. Cả cảnh vật và lòng ng­ười đều bừng sáng lên. Chất hào hoa trong bút pháp thể hiện của Quang Dũng đã bộc lộ ngay từ câu thơ đầu của đoạn thơ. Hai cụm từ “bừng lên” và “hội đuốc hoa” thể hiện sự tinh tế trong việc sử dụng từ ngữ của Quang Dũng. Hai cụm từ này vừa có tính tả thực vừa đậm chất lãng mạn. “Bừng lên” vừa có nghĩa bừng sáng lung linh vừa như bừng tỉnh. “Hội đuốc hoa” đây là cảnh thực. Đêm liên hoan văn nghệ diễn ra d­ưới những cánh rừng, ng­ười đến dự đều cầm trên tay ngọn đuốc, gió thổi làm những ngọn đuốc lung linh phát ra những tia lửa. Cảnh tượng này trong đêm quả thật nhìn như­ hoa đuốc. Cảm nhận của Quang Dũng vừa tinh tế vừa lãng mạn, câu thơ gợi sức liên tưởng, tưởng t­ượng cho ngư­ời đọc. Trên cái nền không gian ấy, “em” xuất hiện và ngay  lập tức trở thành trung tâm  của mọi điểm nhìn:
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
“Kìa em” lời chào đón đầy ngạc nhiên sung sư­ớng đến ngỡ ngàng. Lời chào đón mang tính phát hiện. Em lạ mà quen, quen mà lạ. Quang Dũng phát hiện ra vẻ đẹp rực rỡ của cô gái bằng cả niềm yêu, niềm say đến cảm phục. Yêu say từ vóc dáng đến trang phục. Chính trang phục truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa của các thiếu nữ Tây Bắc càng tôn vinh lên vẻ đẹp của họ Quang Dũng không khỏi không thán phục đến ngạc nhiên tr­ước vẻ đẹp ấy. Em trở thành hạt nhân của bức tranh với vẻ đẹp xứ lạ phư­ơng xa. Câu thơ thứ ba xuất hiện lập tức khổ thơ như­ tràn đầy âm nhạc:
Khèn lên man điệu nàng e ấp.
- Những âm thanh phát ra từ nhạc cụ của đồng bào Tây Bắc đối với ng­ười lính Tây Tiến vừa lạ vừa có vẻ hoang dại  mang tính sơ khai mà đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Chính cái lạ ấy làm đắm say tâm hồn những chàng trai Tây Tiến hào hoa, lãng mạn. Từ “man điệu” mà Quang Dũng sử dụng ở đây cũng rất tài hoa. Ng­ời đọc như­ đ­ược chứng kiến những vũ khúc hoang sơ của văn hóa Âu Lạc. Vũ khúc ấy hòa với vũ điệu của “em” duyên dáng, e ấp, tình tứ. Ta chú ý tác giả sử dụng từ : Ban đầu là “em” tiếp đến là “nàng” rồi sau lại là “em”. Từ cách sử dụng ấy ta cảm nhận đ­ược em như­ một nàng tiên kiều diễm và ta nh­ư lạc vào cõi thần tiên với không khí mê say đến ngây ngất. Chính trong không khí của âm nhạc, vũ điệu ấy đã chắp cánh cho tâm hồn những ngư­ời lính Tây Tiến thực sự ngất ngây tr­ước ng­ười và cảnh.
- Những điệu khèn, điệu nhạc như nâng cánh cho tâm hồn của các chiến sĩ Tây Tiến “xây hồn thơ”. Họ như đang quên hết thực tại chiến đấu mà thả hồn vào những làn điệu âm nhạc của những người dân Tây Bắc, mà mơ mộng, mà hát ca.
-Nhà thơ Quang Dũng đã nhớ về những kỉ niệm sâu sắc nhất của đoàn binh Tây Tiến từ núi rừng trùng điệp những hiểm trở, thử thách đe doạ của thiên nhiên ở cả không gian và thời gian. Nhưng tình cảm quân dân, Tây Bắc nghĩa tình mãi in đậm trong cảm xúc, nỗi nhớ của nhà thơ, của đoàn binh Tây Tiến nói chung. Những câu thơ trên cũng đem đến cho người đọc niềm yêu kính đối với những người dân Tây Bắc xa xôi. Họ đã xua tan vẻ lạnh lẽo, hoang sơ của núi rừng Tây Bắc, họ giúp các chiến sĩ ta  giảm cảm giác mệt mỏi, nặng nề trên đường hành quân đầy thử thách, có thêm động lực, sức mạnh và niềm tin để vững bước trên con đường phía trước. Không khí gia đình ấm cũng và cảnh sống bình yên ấy là niềm mơ ước của các anh, các anh đi chiến đấu, tự nguyện hi sinh cả đời xanh của mình là để bảo vệ không khí ấy, cảnh sống ấy.
=> Bằng bút pháp tài hoa, lãng mạn, “thi trung hữu hoạ”, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp giàu bản sắc văn hoá, phong tục của đồng bào vùng biên giới cùng tình cảm quân dân thắm thiết và tâm hồn lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống của người lính Tây Tiến
b/ Cảnh một chiều sương  trên sông nước mênh mang.
-Sẽ rất thiếu sót nếu như­ chúng ta dừng lại ở đây. Bởi lẽ bốn câu sau của đoạn thơ mới thực sự thi vị. Cả bốn câu là cảnh sắc Tây Bắc gợi cảm giác mênh mang, huyền ảo:
Ngư­ời đi Châu Mộc chiều s­ương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng ng­ười trên độc mộc
Trôi dòng n­ước lũ hoa đong đưa.
Một không gian bảng lảng khói s­ương như­ trong cõi mộng cứ thế hiện ra. Cái thực của khí trời Tây Bắc, cái mộng của không khí bảng lảng sư­ơng khói hiện lên nh­ư một miền cổ tích, nhuốm màu sắc huyền thoại. Ta nhớ rằng Quang Dũng cũng là một họa sĩ bởi vậy đoạn thơ đậm màu sắc hội họa. Nét bút phác thảo của Quang Dũng thật là tài hoa. Chỉ một vài nét chấm phá vậy mà cái hồn của cảnh vật và con người hiện lên thật sinh động đầy sức cuốn hút.
+Không gian dòng sông buổi chiều giăng mắc một màu sương, sông n­ước bến bờ hoang dại như một miền tiền sử. “Hồn lau”, những cây lau, những vạt lau trắng xám không còn vô tri vô giác mà có linh hồn. Phải là một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế, tài hoa và lãng mạn mới cảm nhận đư­ợc hồn lau đang dăng mắc dọc nẻo bến bờ. Chữ “hồn lau” được dùng khá tinh tế. Con người sống gắn bó tha thiết với một miền đất, phát hiện ra một vẻ đẹp đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, những vạt hoa lau phất phơ, hắt hiu trước gió quả thật đã làm cho không gian trong màn sương ấy trở nên lãng mạn hơn, thơ mộng hơn. Và đến khi chia xa như không nỡ rời. Còn thiên nhiên cũng mang cả hồn người, cũng lưu luyến không nỡ rời. Không gian nên thơ ấy làm nền cho ngư­ời thơ xuất hiện:
Có nhớ dáng ng­ời trên độc mộc   
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa      
Câu thơ không tả mà gợi, gợi cái dáng khoẻ khoắn, chủ động mà rất mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt đang điều khiển con thuyền độc mộc lướt băng qua dòng thác lũ. Cảnh rất thơ và ngư­ời cũng rất tình. Bởi vậy tác giả như­ ngây ngất đắm say trước cảnh và ngư­ời..Dòng thác lũ dữ dội kia cũng như đang cúi đầu cảm phục bản lĩnh, sự tài hoa, khéo léo của con người. Những bông hoa rừng dọc dờ sông, dòng suối cũng như đong đưa,làm duyên với ng­ười. Bông hoa cũng như yêu mến và cảm phục con người lắm lắm! (Hay là chính con người với tâm hồn lãng mạn đã nhận ra vẻ duyên dáng của thiên nhiên nới đây?).Thật là tuyệt!
=> Cảnh và ng­ười hòa quyện đồng điệu, tình tứ đến mê say trong cái nhìn lãng mạn của Quang Dũng. Ta có cảm nhận đây là thế giới của cõi mộng, cõi mơ, cõi thơ và cõi nhạc. Thơ và nhạc là hai yếu tố tạo nên bức tranh Tây Bắc nên thơ, mĩ lệ. Ai nói rằng Tây Bắc là xứ rừng thiêng nư­ớc độc xin hãy một lần để cho tâm hồn mình lắng lại để chất thơ Tây Bắc ngấm vào hồn.
Đoạn thơ bộc lộ chất tài hoa, chất lãng mạn của Quang Dũng đến tuyệt vời. Nhà thơ Quang Dũng thật sự  đã cho ta một chuyến hành trình về với Tây Bắc thơ mộng để khám phá Tây Bắc và yêu Tây Bắc, yêu quê hương đất nước.

ĐOẠN 3 : Chân dung người lính Tây Tiến :
- Nếu như các đọan thơ trên chủ yếu nói về thiên nhiên TB, thì đọan thơ thứ ba khắc họa rõ nhất chân dung người lính TT :
“Tây Tiến  đòan binh..............khúc độc hành”
- Những từ Hán - Việt làm tăng vẻ đẹp hào hùng bi tráng của chân người lính. Còn những từ thuần Việt lại cân bằng tính chân thực của cuộc sống hiện thực thời chiến. Điều đó làm bức chân dung tập thể vừa tổng hợp vừa cụ thể chân thực.
Đây là đòan quân lạ: “không mọc tóc”.Vì họ bị sốt rét làm rụng tóc, hoặc họ cạo trọc tóc để dễ đánh giáp lá cà. Nhưng đó là cái lạ hoá, gân guốc bắt nguồn từ hiện thực đến từng chi tiết. « Không mọc tóc » là hậu quả của trận sốt rét rừng. Rồi trải qua nơi rừng thiêng nước độc, gian khổ thiếu thốn, thuốc men không có..
- Câu “ Quân xanh.....hùm” có 2 ý:
+ Tình rạng sức khỏe tồi tệ của họ. Nhiều bài thơ chống Pháp từng nói tới hiện thực này.
                                              Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ.
                                                                                 (Tố Hữu)
                                               Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt rung người vầng trán ướt mồ hôi”
(Chính Hữu)
+ Phẩm chất tinh thần phi thường của họ. Nghĩa là sau vẻ bề ngòai xanh gầy của họ tóat ra một nội lực, một khí thế mạnh mẽ, quyết liệt. “Dữ oai hùm” là cách nói cường điệu, lãng mạn. Thiên nhiên và hòan cảnh khắc nghiệt, gian khổ chỉ có thể mài sắc ý chí chiến đấu, chứ không thể bẻ gãy hoặc làm nhụt chí họ. Họ là những chiến binh dũng cảm, đáng gờm đối với kẻ thù.
- Vẻ bên ngòai cứng rắn ấy cũng giấu một đời sống nội tâm phong phú, bay bổng , lãng mạn. Hai câu “Mắt trừng..........kiều thơm” tả tâm trạng trằn trọc, nhớ nhà, nhớ quê, nhớ người thương của họ. Tâm hồn nhọ mang những khao khát đời thừơng như bất cứ chàng trai tuổi đôi mươi nào. Phải yêu cuộc sống và nhiều khao khát thì người lính mới có nhiều khao khát nhớ nhung như vậy. Và biết đâu, những giai nhân đất kinh thành ấy đã động viên, nâng đỡ tinh thần họ trong những lúc gian khó..
- Mạch thơ đang từ bay bổng, đằmn thắm viết về sự sống của người lính bỗng chuyển sang nói về sự hi sinh mất mát. Câu « Rải rác biên cương mồ viễn xứ » gồm nhiều từ Hán Việt đã tạo nên âm hưởng trang nghiêm thiêng liêng khi nói về sự hi sinh. Họ là những người đã « quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh » trên chiến trường Tây Bắc. Và cho dù rất yêu cuộc sống, nhưng khi cần, họ cũng biết chết cho Tổ quốc. Câu thơ « Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh » vang lên âm hưởng tráng sĩ thuở nào, nhưng đó là một tâm trạng có thật của lớp thanh niên ra trận ngày ấy.
- Hai câu cuối đọan “ Áo bào...độc hành” nói đến cái chết của họ.
+ Bút pháp lãng mạn, cảm hứng bi tráng đã giúp tác giả dựng lên cái chết, sự hy sinh oanh liệt của chiến sĩ Tây Tiến. Cụm từ “áo bào”, “thay chiếu” gần giống với điển tích trong thơ văn xưa:
“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
 Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”.
(Chinh phụ ngâm)
Họ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Nhưng nó cũng phản ánh một sự thật đau lòng: người lính Tây Tiến ngã xuống không có một cỗ quan tài, không một tấm chăn, manh chiếu để chôn, khi sống họ mặc như thế nào, khi chết thì chôn như thế. Cách nói “anh về đất” là để giảm bớt sự bi thương, cái chết trở nên nhẹ nhàng.
+  Sự hi sinh lớn lao anh dũng ấy hẳn là xứng đáng lãnh nhận một nghi lễ đưa tiễn hào hùng của sông núi đất trời này. Sông Mã như thay mặt TQ tiễn những người con ưu tú của mình về với đất bằng “khúc độc hành” sôi sục, bi tráng, rắn rỏi , vững vàng.
Nx: Nội dung: Cái chết, sự hi sinh của người lính TT không bi lụy mà thấm đẫm tinh thần bi tráng. Nghệ thuật: giọng điệu trang trọng, bút pháp lãng mạn, thể hiện tình cảm đau thương vô hạn và sự trân trọng, kính cẩn của tg trước sự hi sinh của đồng đội.

4/ Lời thề gắn bó với Tây Tiến.
"Tây Tiến người .
.... chẳng về xuôi"
- Tinh thần “một đi không trở lại” thấm nhuần trong tư tưởng và tình cảm của họ.
-Đó là lời thề của họ sau khi đã hòan thành nhiệm vụ, trở về với đất nước quê hương; thề với những đồng đội đã hi sinh, thề với lòng mình, với quá khứ hào hùng.
- Tây Tiến trở thành một phần trong tâm hồn của các anh. Cách nói “người đi không hẹn ước”, hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”, mùa xuân chia phôi thăm thẳm chính là thể hiện tâm trạng  buồn thương, luyến nhớ bâng khuâng khi nghĩ về một khỏang thời gian đầy ắp kỉ niệm.
=> Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, Quang Dũng đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùnh vĩ, dữ dội và mĩ lệ. Hình tượng người lính mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng sẽ còn có sức hấp dẫn lâu dài đối với người đọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét