Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

VỢ NHẶT - TÁI HIỆN KIẾN THỨC



VỢ NHẶT
                          KIM LÂN

1.Đặc điểm sáng tác của nhà văn Kim Lân:
-Ông là nhà văn chuyên sáng tác truyện ngắn.
-Ông thường viết về nông thôn và người nông dân: có nhiều trang văn đặc sắc về phong tục, đời sống làng quê – những thú chơi và sinh hoạt văn hoá cổ truyền của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ…; có nhiều tác phẩm viết rất chân thật,  xúc động về cuộc sống và người dân quê .
-Nhân vật chính trong sáng tác của ông là  những con người quê  rất mộc mạc, nghèo khó, thiếu thốn  mà vẫn yêu đời; thật thà, chất phác mà gắn bó thiết tha với quê hương và cách mạng.
-Cách viết giản dị, chân thực mà sâu sắc, ngôn ngữ gần gũi đời thường mà được lựa chọn kĩ lưỡng; miêu tả và phân tích tâm lí sinh động.

2.Xuất xứ truyện
Truyện ngắn "Vợ nhặt" có tiền thân là  tiểu thuyết  Xóm ngụ cư” . Tiểu thuyết  này được viết ngay sau Cách mạng tháng tám (mang đậm chất thời sự: nạn đói thê thảm và không khí cách mạng sục sôi) nhưng  còn dang dở và bị mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954),  Kim Lân dựa vào một phần cốt truỵên cũ và viết truyện ngắn này.
 -Truyện chứa đựng dung lượng hiện thực lớn mà nhà văn lấy  bối cảnh hiện thực nạn đói năm  1945. Nhưng điều mà nhà văn muốn gửi gắm không chỉ là hiện thực thê thảm của năm đói mà ông muốn thắp sáng vẻ đẹp tình người, của khát vọng sống và khát vọng hạnh phúc trong những năm tháng tối tăm, thê thảm ấy.
-Truyện được in trong tập “Con chó xấu xí” (1962). 

3.Chủ đề:
Thông qua tác phẩm, nhà văn đã phản ánh và trân trọng  những con người có số phận bi thảm mà  lương thiện. Trong hoàn cảnh đói kém khủng khiếp do bọn phát xít thực dân phong kiến gây ra, họ đã cưu mang đùm bọc lấy nhau, dành cho nhau hạnh phúc và niềm tin, hi vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn mà cách mạng đem đến. Nhà văn nâng niu khát vọng hạnh phúc và tình người cao đẹp của người dân lao động nghèo khổ.

4.Tóm tắt truyện
Truyện kể về nhân vật Tràng ở xóm ngụ cư, làm nghề kéo xe bò thuê. Tràng là người thô kệch, lại có tật  vừa đi vừa nói lảm nhảm . Hai mẹ con ở trong một mái nhà tranh vắng teo, rúm ró.
Trận đói kinh hoàng đang diễn ra, người chết đói như ngả rạ. Một lần kéo xe thóc Liên đoàn lên tỉnh, Tràng  hò một câu vượt dốc cho đỡ mệt . Một cô gái ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng, liếc mắt cười tít với hắn . Lần thứ hai, Tràng gặp lại chị, trông chị khác hẳn đến mức hắn không nhận ra , chị gầy sọp hẳn đi, áo quần tả tơi như tổ đỉa, khuôn mặt xám xịt. Chị trách móc anh vài câu và cố gợi ý để được mời ăn, anh Tràng đã mời chị ấy ăn, chị  đã ăn một chập 4 bát bánh đúc . Tràng nói đùa mấy câu thế là chị theo anh về thật. Anh  đã dẫn chị vào chợ tỉnh ăn một bữa cơm no nê,  mua một cái thúng và hai hào dầu. Anh Tràng dẫn chị về nhà. Sự việc Tràng có vợ làm cả xóm ngụ cư ngạc nhiên và lo ngại, bà cụ Tứ cũng rất ngạc nhiên, có phần sung sướng nhưng cũng rất lo lắng và thương con. Bản thân Tràng cũng chưa tin hẳn.  Sáng hôm sau, nhìn cảnh hai người đàn bà dọn dẹp nhà cửa, anh thấy rất xúc động và có trách nhiệm với gia đình. Trong bữa cơm ngày đói thảm hại, nhạt thếch và đắng chát có tiếng trống thúc thuế dồn dập,  người vợ nhặt  nói về chuyện Việt minh phá kho thóc Nhật làm hiện lên hình ảnh lá cờ đỏ trong óc Tràng.

5.Bối cảnh truyện:
Bối cảnh của truyện là nạn đói năm 1945. ( Năm 1940, Nhật xâm chiếm Đông Dương bắt nhân dân ta nhổ lúa trông đay. Bọn thực dân sau khi thua ở Đông Dương thì ra sức tăng các thứ thuế  bóc lột nhân dân để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh mới,  bọn địa chủ cường hào ở nông thôn ngày càng ức hiếp dân lành. . Bởi thế ,  năm Ất Dâu  1945, nạn đói chưa từng có trong lịch sử đã cướp đi hơn hai triệu đồng bào ta. Người chết đói đầy đường. Mặt trận Việt Minh đã tổ chức nhân dân vùng dậy phá kho thóc Nhật cứu giúp người nghèo và tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8.)
-Dấu ấn của bối cảnh ấy trong tác phẩm “Vợ nhặt”:
+Không gian xóm ngụ cư:  tối sầm lại vì đói, hai bên dãy phố tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa; khung cảnh xơ xác, tiêu điều không có dấu ấn của  sự sống; không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người; bầy quạ ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết…
+Cảnh một xóm ngụ cư nghèo trong nạn đói: người chết đói như ngả rạ, không buổi sáng nào người dân trong làng đi chợ không gặp vài cái thây nằm còng queo bên đường.
+Người sống thì xanh xám như những bóng ma, hoặc là nằm ngổn ngang khắp lều chợ, hoặc đi lại dật dờ, lặng lẽ như những bóng ma.
+Đám trẻ con thường ngày nhảy nhót vui đùa và mỗi khi anh Tràng đi làm về thì xóm ngụ cư lại xôn xao lên được một chút còn trong những ngày đói thì chúng không buồn nhúc nhích, chúng ngồi ủ rũ dưới những góc tường.
+Những người dân ngụ cư thì gương mặt hốc hác, u tối; và dường như cũng đói  đến mức không có tên để gọi, có người thì nhà văn gọi là “cái đầu trọc nhẵn”…
+Người vợ nhặt của Tràng cũng đói khát đến thê thảm: là hiện thân của tất cả những cái “không”: không tên tuổi, quê hương bản quán, nghề nghiệp, đến cả nhan sắc và chất nữ tính cũng bị cái đói tàn phá, huỷ diệt.
+Tràng và người mẹ già sống trong cảnh bấp bênh trong căn nhà rúm ró, xiêu vẹo giữa không gian hoang dại. Ngôi nhà tồi tàn ấy có thể đổ xuống bất cứ lúc nào – đặc biệt trong thảm cảnh nạn đói này.
+Ngay trong đêm đầu tiên của cuộc sống vợ chồng Tràng cũng có tiếng khóc hờ của những gia đình có người chết dội lại. Cảnh sống của gia đình nhà Tràng cũng rất mong manh. Bữa cơm đầu tiên của gia đình Tràng đón nàng dâu mới cũng bao tủi thẹn, đắng chát với một niêu chão loãng lõng bõng và một nồi “chè khoán” – cháo cám.
-Ý nghĩa của bối cảnh truyện : góp phần thể hiện nội dung hiện thực và tiếng nói nhân đạo của tác phẩm.
+ Thể hiện chân thực tình cảnh thê thảm của người dân nghèo trong nạn đói.
+Tiếng nói tố cáo bọn phát xít, thực dân và phong kiến tay sai – chúng đã gây ra nạn đói khủng khiếp khiến người dân lâm vào nạn đói phải sống cận kề cái chết.
+Tiếng nói xót thương, thông cảm của nhà văn với những con người khốn khổ trong nạn đói.
-Làm nền cho câu chuyện, thể hiện vẻ đẹp tính cách nhân vật.
-Giúp nhà văn sáng tạo được tình huống truyện và thể hiện được số phận và vẻ đẹp của các nhân vật.

6. Ý nghĩa nhan đề
-Không hiểu nhan đề Vợ nhặt đến trước hay sau khi hoàn thành truyện ngắn này nhưng đó là một nhan đề độc đáo, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc.
-Theo Kim Lân,vợ nhặt là vợ theo không, không cưới xin, lễ nghĩa gì cả. Đây là nhan đề ít nhiều hàm chứa chât hài hước nhưng sâu xa hơn là nó nói về thân phận bọt bèo, rẻ rúng của con người. Xưa nay, lấy vợ gả chồng là một việc hệ trọng, thiêng liêng được tổ chức với những nghi thức trang trọng theo phong tục, tập quán của quê hương, vậy mà ở Vợ nhặt, vợ không phải cưới xin gì mà nhặt được  như nhặt được một cái gì đó tầm thường.
-Nhan đề có ý nghĩa tố cáo xã hội đã gây ra nạn đói khủng khiếp và chính nó đã huỷ diệt con người (người vợ nhặt đã bỏ hết cả lòng tự trọng, chất nữ tính để được ăn và sẵn sàng theo một người đàn ông không quen biết để được sống).
-Nhan đề ấy cũng góp phần thể hiện tình cảm yêu thương và trân trọng, nâng niu của nhà văn đối với con người. Nhà văn khẳng định: trong hoàn cảnh cuộc sống dù khắc nghiệt, tăm tối đến tận cùng, dù rằng ranh giới giữa sự sống và cái chết là rất mong manh nhưng con người vẫn hướng về sự sống, về hạnh phúc, tương lai, vẫn yêu thương, cưu mang, đùm bọc nhau. Đó là ý nghĩa sâu sắc của nhan đề Vợ nhặt.
-Nhan đề còn gợi ra một tình huống truyện độc đáo, éo le, cảm động.

7.Ý nghĩa phần kết thúc truyện:
*Nhà văn đã kết thúc truyện “Vợ nhặt  bằng hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới cùng đoàn người đói đi phá kho thóc Nhật diễn ra trong suy nghĩ của nhân vật Tràng.
*Ý nghĩa:
-Ý nghĩa nội dung:
+hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ hiện lên trong tâm trí nhân vật Tràng vừa gợi ra cảnh ngộ đói khát ghê gớm, thê thảm vừa gợi ra những tín hiệu của cuộc cách mạng, cả hai đều là những nét chân thực trong bức tranh đời sống lúc bấy giờ.
+kết thúc truyện góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân: trân trọng niềm khát vọng sống của con người ngay cả khi họ đang đối diện với cái chết vì đói; niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của con người.
-Ý nghĩa về nghệ thuật:
+Hình ảnh kết thúc truyện là triển vọng sáng sủa của hiện thực tối tăm, đó là tương lai đang nảy sinh từ trong hiện tại, vì thế nó quyết định đến âm hưởng lạc quan chung của tác phẩm.
+Đây là kiểu kết thúc mở giúp thể hiện xu hướng vận động tích cực của cuộc sống được mô tả trong toàn bộ câu chuyện, vừa mở ra hướng đi cho nhân vậ vừa giành khoảng trống cho người đọc suy tưởng, phán đoán.
                           NGUYÊN HẠNH - CẨM LINH DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét