Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

GIÁ TRỊ HIỆN THỰC VÀ NHÂN ĐẠO CỦA "VỢ CHỒNG A PHỦ" - TÔ HOÀI



GIÁ TRỊ HIỆN THỰC VÀ GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO CỦA “VỢ CHỒNG A PHỦ” – TÔ HOÀI

1.Giá trị hiện thực:
Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” phản ánh chân thực xã hội miền núi Tây Bắc với bộ mặt cuẩ giai cấp thống trị thì tham lam, xảo quyệt, tàn độc; những người lao động nghèo thì bị áp bức bóc lột và họ đã vùng lên đấu tranh để tự giải phóng.
a.Bộ mặt của giai cấp thống trị miền núi: đại diện là cha con thống lí Pá tra.
Pá Tra và A Sử là hiện thân tội ác của những tên chúa đất ở miền núi Tây Bắc: chúng bóc lột sức lao động của người nghèo một cách tàn nhẫn; chúng đánh đạp, hành hạ họ dã man, thậm chí chúng còn tước đoạt sinh mạng người lao động một cách vô lí.
-Chúng ép Mị về làm dâu gạt nợ - do việc cho vay nạng lãi, cha mẹ Mị đã vay tiền của bố thống lí Pá Tra để làm đám cưới, người mẹ chết rồi, người cha già rồi mà vẫn chưa trả xong nợ. (…). Ngày tết đến xuân về, những người làm trong nhà thống lí như Mị không biết đến đi chơi, khi Mị muốn đi chơi đã bị A Sử trói một cách tàn nhẫn trong buồng tối bằng cả một thúng sợi đay, còn quấn luôn tóc Mị vào cột nhà khiến Mị nhiều lúc khóc, nước mắt chảy xuống cằm, xuống cổ mà không có cách nào lau đi được…
-Chúng dùng thế lực của thần quyền để ép Mị vào kiếp sống ngựa trâu, trở thành công cụ lao động làm giàu cho chúng mà Mị không dám phản kháng, ngay cả khi đã muốn cứu A Phủ mà Mị vẫn ám ảnh về một con ma vô hình đã trói buộc cô khiến cô không thể thay đổi số phận được.
-Chúng còn dùng cường quyền và đồng tiền để bắt nhiều người lao động nghèo về phục tùng cho chúng. Chúng đã nghĩ ra một cảnh xử kiện quái gở để buộc A Phủ mang nợ chúng và trở thành nô lệ chung thân cho nhà Pá Tra. Xử kiện A Phủ nhưng thực chất là mở tiệc hút thuốc phiện và mở tiệc ăn cỗ. Người phát đơn kiện cũng là người ngồi trên ghế quan toà thì cò đâu công lí cho người lao động? Lí do cha con thống lí kiện A Phủ không phải là sự va chạm, ẩu đả thường tình của những đám thanh niên trẻ tuổi trong những cuộc chơi xuân mà là “A Phủ đánh con quan làng”. Lời phán quyết của “tòa án” đã phơi bày bản chất xảo quyệt của bọn thống trị: “A Phủ, mày đánh con quan làng, đáng nhẽ làng xử mày tội chết nhưng làng tha cho mày được sống để mày nộp vạ”. A Phủ phải chịu tiền mua thuốc phiện cho các quan làng hút “suốt từ trưa cho đến hết đêm”, mất tiền mua một con lợn để làng ăn vạ, nộp vạ cho người A Phủ đánh là A Sử - con quan làng…
-Chúng tàn bạo đến mức mất hết cả tính người: đạp vào mặt Mị khi Mị đang chăm sóc cho A Sử, đạp Mị ngã xuống sàn bếp  khi Mị đang hơ tay sưởi lửa trong những đêm đông lạnh giá, trới cho đến chết một người đàn bà ở trong nhà, Mị cũng có thể bị trói cho đến chết – nếu không xảy ra vụ va chạm giữa A Phủ và A Sử; còn A Phủ cũng bị phải thế mạng cho một con bò đã bị hổ ăn thịt…
b. cuộc sống tăm tối khổ đau và con đường đấu tranh của người lao động.
*Cuộc sống tăm tối, khổ đau của người lao động thông qua số phận bi thảm của hai nhân vật Mị và A Phủ.
-Mị vốn là một cô gái xinh đẹp, mang trong mình nhiều phẩm chất tốt đẹp bỗng chốc bị biến thành con dâu gạt nợ trong nhà thống lí Pá Tra. Mị bị hành hạ về thể xác và bị đày đoạ, áp bức về tinh thần, bị tước đoạt cả tuổi thanh xuân và khát khao hạnh, cuộc sống tự do chân chính. Cuộc sống của Mị là hàng núi công việc chồng chất, luân phiên, suốt năm suốt  tháng làm việc không ngơi tay. Kiếp sống của Mị ở đây thật đúng không bằng kiếp ngựa trâu, thậm chí Mị còn bị trói đứng suốt đêm ở một căn buồng tối trong đêm xuân rạo rực nhựa sống và náo nức âm thanh.
-Mị sống trong một căn buồng tăm tối, ngột ngạt chỉ có một ô cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay, nhìn ra ngoài lúc nào cũng chỉ thấy mờ mờ trăng trắng không biết là sương hay nắng.
-Mị bị cầm tù bởi hủ tục mê tín – thần quyền. Mị tin rằng con ma nhà thống lí đã nhận mặt Mị, Mị không dám phản kháng, ngay cả khi đấu tranh nội tâm để cứu A Phủ, Mị còn ám ảnh về con ma vô hình đó: “Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về cũng trình ma nhà nó, chỉ còn cách là đợi ngày chết rũ xương ở đây thôi”.
=> Cuộc sống ấy làm Mị trở nên cam chịu, sống vật vờ như một cái xác không hồn, Mị tê liệt ý thức sống, mất hết sức sống. Cô không còn khái niệm về thời gian, không gian, bao nhiêu mùa xuân đã đi qua bên ô cửa buồng của cô, cô cũng không thấy, không biết. Mị lúc nào cũng câm lặng như tảng đá, khiến ta có cảm giác như Mị cũng bị chìm lẫn vào những vật vô tri ở xung quanh như tảng đá, cái quay sợi, tàu ngựa… Cô sống rất tội nghiệp, lúc nào cũng cúi mặt, măt buồn rười rười, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa và luôn hoạt động theo một nhịp quen thuộc, lúc nào cũng nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mắt…
-A Phủ vốn là một chàng trai khoẻ mạnh, giỏi giang, khéo léo, có tâm hồn phóng khoáng, yêu cuộc sống tự do, chỉ vì đánh con quan làng mà phải trở thành kẻ nô lệ chung thân cho nhà thống lí, phải chịu kiếp sống đày đoạ cực nhọc. Anh rong ruổi suốt ngày đêm ngoài gò, ngoài rừng, đốt nương, vỡ nương, chăn bò, chăn ngựa. Những khi đói rừng, động rừng, hổ, gấu từng đàn đến phá nương, tìm đến các đàn trâu bò dê ngựa của nhà thống lí, anh phải ở lều luôn hàng tháng ngoài nương, phải đối mặt với sự nguy hiểm đến tính mạng. Và trong tay thống lí, sinh mạng anh đã bị coi rẻ, anh phải thế mạng cho một con bò đã bị hổ ăn thịt – đỉnh điểm của bi kịch.
*Quá trình đấu tranh và đến với cách mạng của người lao động miền núi: đó là quá trình từ tự phát đến tự giác.
-Lúc đầu, vì bị áp bức quá nặng nề, vì trong tình thế không tự cứu thì sẽ bị giết, Mị cắt dây trói cứu A Phủ rồi cùng nhau chạy trốn khỏi Hồng Ngài, trốn khỏi bàn tay tàn ác của thống lí Pá Tra. Khi đến Phiềng Sa, Mị và A Phủ gặp được cán bộ cách mạng và được giác ngộ tinh thần chiến đấu. Họ nhanh chóng trở thành những du kích dũng cảm, cùng chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng và cách mạng, họ đã cùng buôn làng chiến đấu chống cả thực dân và phong kiến để tự giải phóng.
=>Qua hai nhân vật Mị và A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã phản ánh những vấn đề khá cơ bản của hiện thực đời sống của người lao động ở miền núi Tây Bắc lúc bấy giờ. Đó là qua strinfh vùng dậy chống thực dân phong kiến của người dân miền núi dưới ánh sáng của Đảng.
2. Giá trị nhân đạo:
a. Vợ chồng A Phủ là tiếng nói cảm thương sâu sắc của nhà văn Tô Hoài đối với những người lao động bị áp bức khổ đau. Nhà văn thấu hiều và đồng cảm với kiếp sống triền miên trong tăm tối, khổ đau của kiếp con dâu gạt nợ và con ở trừ nợ của Mị và A Phủ. Nhà văn còn trân trọng, nâng niu những giấc mơ tình yêu đẹp đẽ của họ. A Phủ dù nghèo không có tiền cưới vợ nhưng ah vẫn đi khắp núi này, bản kia để kiếm người yêu. Còn Mị, trong đêm xuân nghe tiếng sáo thiết tha, nồng nàn, tâm hồn Mị cũng bồi hồi, xao xuyến. Ngay cả khi bị trói trong buồng tối, tiếng sáo của những đám chơi xuân vẫn rập rờn nhảy múa trong đầu Mị. Đó là tiếng sáo của hiện thực khách quan nhưng cũng là tiếng sáo trong tâm tưởng, tiếng sáo từ quá khứ dội về - tiếng sáo của thời xuân trẻ khát khao tình yêu, hạnh phúc chân chính. Mị khao khát được sống trong tiếng sáo ấy, tiếng sáo của tình yêu, tình người, tình đời. Đoạn văn miêu tả tâm trạng Mị trong đêm xuân nghe tiếng sáo thấm đượm nỗi niềm xót thương vô hạn của nhà văn với kiếp sống nô lệ của Mị trong nhà thống lí. Nhà văn, nếu không thương cảm, không thấu hiểu số phận nhân vật thì không thể hoá thân vào nhân vật mà nói ra những diễn biến phức tạp và sinh động như thế trong tâm hồn Mị. Đó thực sự là tình cảm nhân đạo thiết tha, sâu sắc.
b.Vợ chồng A Phủ còn là bản cáo trạng đanh thép lên án, tố cáo tội ác của giai cấp thống trị.
Chúng không chỉ tước đoạt quyền sống mà còn tước đoạt sức sống của con người.
-Mị từ một cô gái có ước mơ tình yêu trong sáng, là người tràn ngập sức xuân, sức sống bị biến thành một nô lệ, một công cụ lao động, sống câm lặng như tảng đá – nhà văn đã ví Mị lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Từ khi vào nhà thống lí Pá Tra, Mị bị tước đoạt hết sắc đẹp, tuooie xuân và cả sức sống nữa. Mị không còn ý thức sống, chỉ chợ ngày chết rũ xương trong căn buồng ngột ngạt, tăm tối.
-A Phủ cũng vậy, từ một người khoẻ mạnh, bừng bừng sức sống mà bị cường quyền nhà Pá Tra biến thành nô lệ và dần rồi anh cũng mất hết sức phản kháng, thậm chí anh còn phải tự đóng cọc và lấy cuộn dây đến để cho người ta trói mình và chờ chết bên cái cọc ấy.
c.Chiều sâu nhân đạo của tác phẩm được thể hiện ở sự ngợi ca sức sống tiềm tàng, sức mạnh vùng lên tự giải phóng của những người lao động bị áp bức.
*Mị là hiện thân của sức sống tiềm tàng mạnh mẽ không gì dập tắt nổi. Bên ngoài lũi lũi, vật vờ như cái bóng nhưng bên trong tâm hồn, Mị lại hừng hực một sức sống mãnh liệt. Mị không phải một cây nến leo lét hay một ngọn đèn sắp hết dầu đang đợi ngày lụi tàn, tắt lịm mà Mị là một hòn than hồng rực đang âm ỉ cháy dưới lớp tro tàn đợi ngày bùng lên thành một ngọn lửa cháy dữ dội.
-Sức sống của Mị được thể hiện ngay ở việc phản kháng đầu tiên khi Mị biết mình bị biến thành con dâu gạt nợ. Có đến hàng mấy tháng đêm nào Mị cũng khóc, Mị còn muốn tự tử. Thực ra, khóc và muốn tự tử là suy nghĩ và hành động tiêu cực nhưng rất mạnh mẽ. Muốn tự tử thực ra là muốn sống có ý nghĩa nhất. Không phải do Mị đã cạn kiệt nguồn sinh lực mà Mị muốn sống kiếp người chứ không phải kiếp ngựa trâu, không chấp nhận kiếp sống tăm tối như con vật.
-Mị uống rượu ngày tết – lén lấy hũ rượu uống – cứ uống ực từng bát, uống như nuốt tất cả những đắng cay, tủi hợn vào lòng. Mị uống say lịm để quên đi kiếp sống trong nhà Pá Tra.
-Sức sống của Mị bừng lên dữ dội khi nghe tiếng sáo mùa xuân, tiếng sáo rủ bạn đi chơi, tiếng sáo gọi bạn, gọi người yêu. Tiếng sáo đã đánh thức tâm hồn u mê, tê dại của Mị; tiếng sáo kéo Mị ra khỏi trạng thái vô cảm, giúp tâm hồn Mị phơi phới trở lại, trong lòng Mị đột nhiên vui sướng như những đêm tết của thời xuân trẻ, như đang trong cảm giác chờ đợi tiếng hẹn hò của người yêu. Mị đã hành động như một người tự do, không bị lệ thuộc vào cường quyền, thần quyền nhà Pá Tra nữa. Mị xắn mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng. Ánh sáng bừng lên trong căn buồng tối cũng là ánh sáng bừng lên trong tâm hồn Mị, ánh sáng của tình yêu thương con người ở nhà văn Tô Hoài. Mị nhận thức ra không gian quá ngột ngạt, tăm tối. Tiếng sáo thiết tha, càng lúc càng nồng nàn, nó mời gọi, thôi thúc MỊ sửa soạn đi chơi tết.
-Dù thân thể bị trói nhưng cô quên đi nỗi đau thể xác, cô đang sống với tiếng sáo, tiếng sáo đưa cô đến với những cuộc vui xuân, những đám chơi vui vẻ, yêu đời của thanh niên, của tuổi trẻ. Mị quên thực tại, Mị vùng bước đi theo tiếng gọi của lòng mình, tiếng lòng rạo rực yêu cuộc sống, khao khát tự do. Sợi dây trói bạo tàn của A Sử không thể trói được khát khao, sức sống trong Mị, không thể dập tắt được ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng bếp than ấy.
-Sức sống của Mị dữ dội, quyết liệt trong đêm cứu A Phủ. Xuất phát từ lòng thương người, đồng cảm với người cùng cảnh ngộ, Mị đã có một hành động dứt khoát và dũng cảm: cắt dây trói cho A Phủ. Hành động cứu A Phủ cũng là hành động tự cứu chính mình. A Phủ bị trói là hiện hình cái chết của mỊ trong tương lai. Cứu A Phủ cũng có nghĩa là giải thoát cho chính mình. Với hành động cứu A Phủ và tự cứu mình, Mị đã vượt qua ngục tù của cường quyền và thần quyền nhà thống lí. Mệnh lệnh đối với A Phủ cũng là lời đánh thức trái tim mình. Hành động chạy theo A Phủ cũng chính là hành động của lòng khát khao sống, khát tự do. Hành động và bước chân của Mị đã vượt khỏi suy nghĩ của cha con thống lí. Bước chân của Mị thực sự đã đạp đổ cường quyền, thần quyền nhà Pá Tra mấy đời làm thống lí.
* A Phủ cũng tiềm tàng một sức sống, một sự phản kháng mạnh mẽ. Sức sống của A Phủ có từ thuở thơ ấu cay cực trong kiếp mồ côi và lơn dần lên từng ngày tháng cùa cuộc sống bất định của anh. Anh không sợ cường quyền bạo lực, anh dám đánh A Sử, đánh con nhà quan, cầm nắm cái vòng cổ của A Sử mà kéo dập đầu xuống, cầm nắm vào cái vòng biểu thị địa vị của A Sử mà không hề sợ hãi. Khi bị đánh, anh chỉ im như cái tượng đá. Thái đọ cam chịu đó thực ra là anh dồn tụ căm hờn vào bên trong, ngầm chứa đựng một sự phản kháng. Lúc bị trói, anh cũng đã tìm cách để tự giải thoát, suốt đêm đã nhay đứt hai vòng dây mây. Trong mắt anh, có giọt nước mắt của sự đắng cay, cô độc, bất lực và tuyệt vọng, có ngọn lửa từ bếp than Mị thổi và có ngọn lửa của lòng khát sống, khát tự do.
-Được Mị cứu, A Phủ đã kiệt sức vì chịu đói khát nhiều ngày nhưng anh lại quật sức vùng dậy. Lúc đầu là chạy khỏi cái chết đang đến gần, nhưng sau đó là chạy đi tìm con đường tự do, con đường tự giải phóng.
=>Mị và A Phủ tất yếu tìm đến cách mạng. Đến Phiềng Sa là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Mị và A Phủ: từ thân phận nô lệ, Mị và A Phủ đã trở thành những chủ nhân chân chính của cuộc đời mới. Nhà văn Tô Hoài đã mở ra cho họ con đường đấu tranh để giành lấy quyền sống, để thoát khỏi kiếp sống nô lệ.
c. So sánh tư tưởng nhân đạo trong tác phẩm văn học hiện thực phê phán với tác phẩm văn học cách mạng: VHHTPP phản ánh và lí giải hiện thực xã hội, nhưng kết thúc thường bế tắc, bi quan, các nhân vật không tìm thấy con đường bước tiếp, nhà văn thường có cái nhìn bi quan (chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố hội tụ rất nhiều vẻ đẹp của sức mạnh và sức sống nhưng cũng rơi vào bế tắc; nhân vật Chí Phèo trong Chí Phèo của Nam Cao, khi đã được tình người đánh thức, anh không chấp nhận kiếp sống tăm tối của thú vật, anh muốn trở thành người lương thiện, muốn thực hiện ước mơ giản dị thời trẻ nhưng anh đã phải chết ngay trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời lương thiện). Còn VHCM phản ánh hiện thực và góp phần cải tạo xã hội, các nhà văn đã chỉ ra con đường đi tói tương lai cho các nhân vật ( Mị và A Phủ từ việc bảo tồn sự sống của mình đã tự giác đứng vào đội ngũ của những người cách mạng, những người chiến đấu giải phóng quê hương; Tràng trong Vợ nhặt của Kim Lân hình dung ra hình ảnh đoàn người đói đông đảo đi theo lá cờ đỏ sao vàng, chắc chắn anh sẽ được cách mạng dẫn đường chỉ lối).

NGUYÊN HẠNH - CẨM LINH DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét