Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

NHÂN VẬT NGƯỜI VỢ NHẶT TRONG "VỢ NHẶT" - KIM LÂN



NHÂN VẬT NGƯỜI VỢ NHẶT TRONG TÁC PHẨM
VỢ NHẶT CỦA KIM LÂN.
1.Trước khi về làm vợ Tràng về:
-Chị có dáng vẻ rất tội nghiệp, đáng thương: gầy vêu vao, ngực gầy lép, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt, quần áo rách tả tơi như tổ đỉa.
-Chị là hiện thân của những cái “không”: không tên tuổi, không quê hương bản quán, đến cả chất nữ tính và thể diện của một người phụ nữ bình thường cũng không có nữa. Chị thực ra là nạn nhân của sự đói khát, bị cái đói xô đẩy. Chị cũng như bao người đàn bà khốn khổ khác trong nạn đói: ngồi vêu ra ở cổng nhà kho để chờ nhặt những hạt thóc rơi vãi, chắt chiu từng chút sự sống.
-Về tính cách: chị là một người thực ra rất táo bạo. Nghe thấy người đàn ông ( Tràng) hò một câu vượt dốc, mấy cô bạn đẩy vai chị ra, chị cũng ra đẩy xe cho người đàn ông nọ và còn trêu đùa mấy câu như quen biết từ trước, rồi còn liếc mắt cười tít với Tràng. Cái cười ấy vô tình đã gieo vào lòng Tràng sự thích thú bởi từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa bao giờ có người đàn bà nào cười với anh tình tứ như thế. Và tưởng đâu chỉ dừng lại ở đó. Chị và anh Tràng như có duyên số thật. Dòng đời xô đẩy, chị gặp lại anh Tràng ở cổng chợ tỉnh một lần nữa trong đời. Chị đã chủ động trách mắng Tràng và còn gợi ý để được Tràng mời ăn. Chị đã cong cớn, sưng sỉa trách mắng như thể những người tình lỡ hẹn lỡ hò.
-Khi được người đàn ông kia mời ăn thì chị đã cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong rồi thấy ấm bụng mới lo lắng cho Tràng, cho sự “bình yên” của Tràng.
-Chị liều lĩnh đến mức sẵn sàng theo không một người đàn ông lạ về chỉ sau một câu nói đùa của anh ta.
=> Cái đói trong một lúc nào đó nó có thể làm biến dạng cả tính cách con người. Nhà văn thật sự xót xa và cảm thông cho cảnh ngộ đói nghèo của người lao động.
2. Khi trở thành vợ Tràng, được mẹ chồng chấp nhận và đón nhận, chị đã trở về với chính con người thật của mình, chất nữ tính đã trở về nguyên vẹn.
-Trên đường về nhà Tràng: chị hiện lên với vẻ bẽn lẽn đến tội nghiệp, chị đi sau Tràng ba bốn bước, cái nón rách tàng che nghiêng, chị bước những bước rón rén, e thẹn; khi thấy mọi người trong xóm ngụ cư tò mò, phán đoán, chị ngượng nghịu chân nọ bước díu cả vào chân kia… Đây là vẻ e thẹn thường tình của nữ giới đặc biệt của những cô dâu khi về nhà chồng.
-Chị cũng trở nên là một người tinh tế và giàu tình cảm, biết thương chính mình, biết tìm mọi cách để được sống nhưng cũng biết thương yêu và cảm thông với hoàn cảnh của người khác:
+Khi chứng kiến gia cảnh Tràng với một ngôi nhà vắng teo, xiêu vẹo, đứng rúm ró trên một mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại, giữa một không gian hoang vắng, chứa đầy sự chết chóc, chị cũng thầm thất vọng nhưng chị nén tiếng thở dài không để cho Tràng biết nỗi niềm của mình. Chứng kiến cảnh nhà cửa bừa bộn, không ngăn nắp của Tràng và cũng không biết ngày mai sẽ ra sao nhưng chị chỉ bần thần nét mặt và luôn ngồi mớm ở mép giường, tay vẫn ôm khư khư cái thúng con. Cô ấy rất ý tứ và ngượng nghịu. Nhà văn Kim Lân không dùng nhiều dòng văn để miêu tả tâm trạng, cảm xúc của người đàn bà này nhưng qua những cử chỉ, hành động của chị, người đọc nhận ra thế giới nội tâm và vẻ đẹp tâm hồn của chị.
+Chị chào người mẹ chồng rất ý tứ, đúng mực và rất ngoan ngoãn lắng nghe những tâm sự giãi bày gia cảnh, những lời nhắc nhở, khuên nhủ  của mẹ chồng.
-Sau một ngày có gia đình mới, chị thay đổi hoàn toàn. Chị dậy sớm cùng mẹ chồng chăm lo cho gai đình, thu vén, dọn dẹp nhà cửa cho gọn ghẽ, quang quẻ hơn. Chị đúng là một người phụ nữ hiền dịu, đảm đang. Chính Tràng cũng nhận thấy sự thay đổi ở người vợ nhặt của mình, cô ấy không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như những lần Tràng gặp ngoài tỉnh.
-Trong bữa cơm ngày đói ( bữa cơm thảm hại: một niêu cháo loãng lõng bõng, một lùm rau chuối thái rối, một chút muối để giữa cái mẹt rách), chị ăn uống vui vẻ cùng gia đình. Chị đón nhận bát cháo cám tà tay mẹ chồng, đôi mắt của chị thoáng tối lại nhưng chị điềm nhiên và vào miệng. Cử chỉ này của chị thật đáng quý vô cùng, đã để lại những ấn tượng rất tốt đẹp trong lòng người đọc về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ. Chị không chỉ thấu hiểu hoàn cảnh, cuộc sống, số phận của bản thân mà còn biết chấp nhận hoàn cảnh, biết thương yêu và cảm thông với người khác. Chị thấu hiểu gia cảnh của Tràng và biết cách chấp nhận hoàn cảnh ấy để cả gia đình biết nương tựa vào nhau cùng vượt qua nạn đói, hướng về sự sống và hạnh phúc.
-Người vợ nhặt còn gợi những chuyện thời sự, chuyện Việt Minh đi phá kho thóc Nhật chia cho người đói để gieo vào trí óc Tràng hình ảnh những người đói đi theo lá cờ đỏ; gieo vào lòng mọi người niềm tin vào tương lai.
3. Đánh giá chung:
-Người vợ nhặt của Tràng, một người không cả có đến tên gọi, người hiện thân của những cái “không” đã thật sự thay đổi số phận bằng chính tấm lòng nhân ái, tình yêu thương của Tràng và người mẹ của Tràng.
-Nhà văn xây dựng nhân vật này bằng chính tình yêu thương con người chân thành, sâu sắc, bằng sự thấu hiểu cảnh ngộ và tâm lí của những người nghèo khổ. Chị ấy từng bị cái đói tước mất chất nữ tính nhưng khi gặp được tình người trong hoàn cảnh éo le, vẻ đẹp tâm hồn của chị đã trở về nguyên vẹn, chị cũng là một tâm hồn phụ nữ rất cao đẹp, đáng quý. Chị có một vai trò đặc biệt làm cho tất cả mọi người trong cóm ngụ cư của Tràng avf những người trong gia đình Tràng thay đổi theo chiều hướng tích cực.
-Thông qua nhân vật người vợ nhặt của Tràng, nhà văn tố cáo xã hội, tố cáo tội ác của bon phát xít, thực dân và phong kiến tay sai đã đẩy con người đén cảnh ngộ bị rẻ rúng vì đói khát. 

                                         NGUYÊN HẠNH - CẨM LINH DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét