Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

GIÁ TRỊ HIỆN THỰC VÀ NHÂN ĐẠO TRONG "VỢ NHẶT" - KIM LÂN



GIÁ TRỊ HIỆN THỰC VÀ NHÂN ĐẠO CỦA TÁC PHẨM “VỢ NHẶT” (KIM LÂN).

1.Giá trị hiện thực: bản chất của hiện thực nạn đói lịch sử và số phận con người:
a.Tác phẩm đã tái hiện được bối cảnh hiện thực rộng lớn, quan trọng của một giai đoạn lịch sử: nỗi khổ, tình cảnh thê thảm của con người trong nạn đói do tội ác của bọn phát xít, thực dân và phong kiến tay sai gây nên.
- Hiện thực này được biểu hiện thông qua những cảnh tượng, những hình ảnh chân thực đến nhói lòng: khung cảnh một xóm ngụ cư:
+ những người sống đói khát bồng bế, dắt díu nhau xanh xám như những bóng ma, hoặc nằm ngổn ngang khắp các lều chợ, hoặc đi lại dật dờ, lặng lẽ như những bóng ma.
+ người chết như ngả rạ, ngày nào cũng có những cái thây nằm còng queo bên đường.
- Toàn cảnh bức tranh hiện thực ấy hiện lên qua những chi tiết đầy ám ảnh, nhức nhối:
+ không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người; mùi đống rấm khét lẹt, tiếng hờ khóc não nuột, xót xa trong đêm...
+ không gian tối sầm lại vì đói, không nhà nào có ánh đèn, lửa…
- Cái đói đã trở thành nỗi đe doạ lớn lao đối với sinh mệnh của từng người, của cả dân tộc. Gia đình nhỏ bé của Tràng là một phần của bức tranh toàn cảnh thê thảm, khủng khiếp ấy.
=>Những hình ảnh trong tác phẩm phản ánh rõ rệt cái không khí thê lương, ảm đạm, chết chóc, cái thảm cảnh kinh hoàng trong cái giây phút rùng mình của lịch sử - nạn đói 1945.
b. Tác phẩm còn khắc hoạ rõ nét cảnh ngộ của những con người nhỏ bé, cảnh ngộ của một gia đình trong cơn lốc xoáy của nạn đói lịch sử:
- Nỗi bất hạnh hằn sâu trong từng con người qua hình ảnh những người dân xóm ngụ cư: gương mặt  hốc hác, u tối vì đói khát; đám trẻ con chẳng đứa nào buồn nhúc nhích, chúng ngồi ủ rũ dưới những xó đường…
- Hình ảnh người vợ nhặt của Tràng hiện lên thật thương tâm: chị ấy chao chát, chỏng lỏn và đánh mất cả chất nữ tính vốn có để được ăn, được sống. Chị ấy bám lấy Tràng để cố vượt qua cơn đói khát, chị đã theo không Tràng về không cần lễ nghĩa, cưới xin gì. Người đàn bà ấy về nhà Tràng trong bộ “quần áo cưới” rách tả tơi như tổ đỉa, với cái mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt, với hình dạng người gầy sọp đáng thương.
- Tràng và người mẹ của mình sống trong một ngôi nhà rúm ró, xiêu vẹo, điêu tàn trong không gian hoang dại, không có dấu ấn của sự sống. Ngôi nhà ấy có thể đổ xuống bất kì lúc nào cũng giống như sinh mệnh con người trong nạn đói khủng khiếp lúc đó.
- Tràng, người mẹ và người vợ nhặt của anh đã bám víu vào nhau dưới mái nhà tồi tàn nhưng cái đói, nỗi tủi cực đã khiến cho tất cả đều có cảm giác chua xót, bẽ bàng – miếng cháo cám đắng chát, nghẹn bứ trong cổ.
=> Bức tranh hiện thực được khắc hoạ rõ nét ở toàn cảnh và cả cận cảnh, ở số phận của từng con người.
c. Tác phẩm còn gợi ra một viễn cảnh, một xu hướng tất yếu của lịch sử qua hình ảnh ở phần kết thúc truyện: câu chuyện phá kho thóc Nhật chia cho người đói, hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ. Hình ảnh đó không được miêu tả trực tiếp, đậm nét nhưng được gợi lên từ toàn bộ không khí, cảnh tượng của đời sống hiện thực trong tác phẩm. Trong hoàn cảnh cái chết đe doạ, rình rập từng giây phút, mạng sống của mỗi người trở nên quá mong manh ; cả cộng đồng, cả dân tộc chỉ còn cách duy nhất là vùng dậy đấu tranh đòi quyền sống.
2. Giá trị nhân đạo: Tác phẩm Vợ nhặt tố cáo tội ác của bọn phát xít, thực dân và phong kiến tay sai, và cao cả, sâu sắc hơn là khẳng định vẻ đẹp của tình người, niềm khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của con người trong hoàn cảnh éo le.
a. Tác giả thể hiện thái độ đồng cảm với cảnh ngộ, số phận của người lao động nghèo: miêu tả chân thực tình cảnh thê thảm của nạn đói ở xóm ngụ cư; tình cảnh đáng thương của người đàn bà - vợ nhăt của Tràng; bữa cơm đầu tiên của cuộc sống mới ở gia đình Tràng đầy đắng chát, tủi thẹn… Đằng sau những hình ảnh đầy ám ảnh, nhức nhối ấy là cả một nỗi lo lắng của nhà văn Kim Lân cho sinh mạng của con người, là cả một niềm cảm thông sâu sắc, tình yêu thương chân thành.
b. Tác phẩm khẳng định vẻ đẹp của tình người, khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và niềm tin của người lao động qua việc tác giả  thấu hiểu nỗi lòng,trân trọng niềm vui, hạnh phúc bình dị của những  người nghèo khổ.
* Diễn tả tinh tế cảm xúc vui mừng, tâm trạng mới lạ của nhân vật Tràng khi đón nhận niềm  hạnh phúc bất ngờ, lớn lao.
- Tình huống nhặt được vợ của Tràng cũng được xây dựng trên cơ sở tình yêu thương, sự đùm bọc, sẻ chia và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của con người. “Vợ nhặt” không chỉ là sự rẻ rúng, bi thảm trong số phận con người mà “vợ nhặt” còn đề cập tới một tình cảm con người rất cao đẹp, đó là tình vợ chồng, là mối quan hệ gắn kết bền chặt giữa người với người. Và để đi tới quan hệ này, đối với Tràng là một điều không hề đơn giản dù rằng tính tình anh rất đơn giản. Vợ là điều Tràng ao ước, khao khát bấy lâu nhưng không thể có được (anh xấu trai, nghèo, là dân ngụ cư, lại gặp nạn đói…). Vì thế khi có người vợ dù là vợ theo không thì anh cũng rất trân trọng cô ấy và trân trọng, nâng niu hạnh phúc của chính anh.
- Anh tinh tế và chu đáo khi dẫn người vợ nhặt vào chợ mua cho cô ấy một cái thúng con đựng vào thứ lặt vặt và dẫn cô ấy ra hàng cơm ăn một bữa thật no nê rồi dẫn nhau về nhà, trên đường về anh còn bỏ tiền ra mua hai hào dầu để thắp “tối tân hôn”. Những cử chỉ, hành động ấy của Tràng thật cao đẹp và xúc động vô cùng. Trong hoàn cảnh cái đói đe doạ từng giây phút mà anh không hắt hủi, ruồng rẫy người đàn bà xa lạ theo anh về, sẵn lòng  đem thêm một miệng ăn về nhà anh, anh lại còn trân trọng cô ấy nữa thì thật đáng quý, đáng trọng. Biết rằng lấy nhau trong những ngày đói ghê gớm này sẽ có nhiều tủi thẹn nên trong điều kiện có thể của Tràng thì một cái thúng con, một bữa cơm no nê, một chai dầu nhỏ cũng là một điều cố gắng lớn. Tràng đã dũng cảm dám mua dầu thắp tối cũng là tránh cho người vợ của mình nỗi tủi thẹn, quan trọng hơn anh có niềm tin mãnh liệt vào sự sống, vào sức mạnh của hạnh phúc, của tình người.
- Anh phấn chấn, hãnh diện khi đưa người vợ nhặt về nhà. Khi mọi người trong xóm ngụ cư, tò mò, phán đoán và người vợ nhặt thì ngượng nghịu chân nọ bước ríu cả vào chân kia thì Tràng vênh vênh cái mặt lên tự đắc. Nhà văn Kim Lân đúng là rất yêu thương con người và thấu hiểu tâm lí của những con người quê chất phác, thật thà. Dù vẫn còn ngỡ ngàng vì sự có vợ nhanh chóng và bất ngờ của mình nhưng anh không giấu nổi niềm hạnh phúc đang xôn xao trong lòng. Nhà văn Kim Lân đã nhập thân và nhân vật Tràng mà diễn tả tâm trạng của anh trước niềm hạnh phúc lớn lao ấy. Tràng sốt ruột,  nôn nao chờ đợi, trông ngóng mẹ về để thông báo sự kiện trọng đại của đời anh, Tràng bước từng bước dài ra sân và thỉnh thoảng nhìn trộm người vợ nhặt ngồi trong nhà, anh băn khoăn về nét mặt bần thần của cô ấy nhưng bao trùm hơn cả là niềm hạnh phúc đang xôn xao trong lòng anh, anh nhớ về hai bận tầm phơ tầm phào thế mà có vợ rồi tủm tỉm cười một mình.
- Niềm vui cảm động của anh sau một ngày có vợ. Anh nhìn sự thay đổi của quang cảnh ngôi nhà, nhìn sự hoà hợp của hai người đàn bà đang dọn dẹp nhà cửa, thấy sự thay đổi ở mẹ và vợ,  anh xúc động vô cùng. Anh thấy có một niềm vui phấn chấn, hạnh phúc tràn ngập trong lòng. Anh thấy anh trưởng thành hơn, thấy yêu thương, gắn bó với ngôi nhà của anh lạ lùng, anh nhận ra trách nhiệm của mình với ngôi nhà, với gia đình, với vợ con sau này…
* Diễn tả tâm trạng bà cụ Tứ - mẹ của Tràng - rất chân thực:
-Từ ngạc nhiên, phấp phỏng đến mừng, tủi, thương, lo: bà ngạc nhiên khi thấy con mong ngóng, đặc biệt ngạc nhiên khi nhìn thấy người đàn bà lạ trong nhà, ngồi ở đầu giường thằng con trai bà, lại con  chào bà bằng “u”. Và khi nghe con giới thiệu vợ thì lòng người mẹ ngổn ngang bao nhiêu là cơ sự. Bà hiểu ra tất cả mọi chuyện, bà “cúi đầu nín lặng”, cái cúi đầu nín lặng ấy chất chứa bao nỗi niềm: có nỗi tủi phận, có sự cam chịu, có niềm xót xa.
+ Bà mừng vì con bà vốn không dễ lấy vợ, nay lại đã có vợ, có một gia đình, có hạnh phúc lứa đôi.
+ Bà tủi vì bổn phận làm mẹ mà không lo được cho con,  “người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, còn mình thì…”, bao nhiêu ngập ngừng tủi cực chua xót dồn nén sau chữ “thì…” vô vọng ấy. Những giọt nước mắt từ trong sâu thẳm trái tim của người già đã không kìm nổi. Bà rơi vào tình cảnh không thể lựa chọn được. Bà rất khó xử vì lấy vợ cho con là việc trọng đại, thiêng liêng cần được tiến hành một cách trang trọng theo phong tục của quê hương, theo truyền thống văn hoá của dân tộc nhưng bà thì không có nổi mâm cơm mà cúng trình tiên tổ và báo cáo dân làng.
+ Thương cho con trai và con dâu. Nhìn người con dâu ngoan ngoãn đứng im một chỗ tay vân vê tà áo đã rách bợt, trong lòng bà thức dậy bao tình yêu thương, trong đó có cả sự hàm ơn. Thương con trai lấy vợ vào giữa lúc đói quay đói quắt, sự sống rất mong manh, thương cho người con dâu gặp bước khó khăn khổ sở này mới lấy đến con bà mà con bà mới có vợ được. Từ độc thoại nội tâm bà chuyển sang nhắc nhở con dâu, nhưng cũng là lời giãi bày tâm sự. Bà tâm sự về gia cảnh để con dâu hiểu hơn mà thông cảm mà yêu thương, gắn bó với gia đình. Bà đã nói với con dâu bằng tất cả tấm tình của một người mẹ nghèo, giàu lòng nhân ái và thương con rất mực. Những lời nói của bà như ngượng ngập, vụng về nhưng rất chân thực và trải đời: “Chúng mày phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”; “chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”. Những lời tâm sự ấy cho thấy bà đã chấp nhận người đàn bà xa lạ kia và đón nhận người con dâu mà con trai mình “nhặt” về; đã không còn ranh giới giữa mẹ chồng với nàng dâu nữa mà chỉ còn tình thân, còn niềm khao khát sống, khao khát về hạnh phúc của con cái. Đó là tình thương yêu con, thương yêu con người sâu thẳm của người mẹ già đã trải qua nhiều nỗi đau trong cuộc đời.
+ Lo lắng cho con không biết chúng có vượt qua được nạn đói này không.
- Bà quên đi đói khổ trước mắt mà vui mừng thu xếp cuộc sống mới. Bà cùng người con dâu dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, mới mẻ hơn, bởi dường như mọi người cũng có chung suy nghĩ: thu xếp nhà cửa cho quang quẻ thì có cơ khấm khá hơn, cuộc sống sẽ mới hơn. Bà say sưa phác hoạ tương lai bằng một niềm tin mãnh liệt: “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Trong bữa cơm ngày đói dù rằng rất tội nghiệp, chỉ là nỗi cháo loãng lóng bõng với một lùm rau chuối thái rối và một chút muối để giữa cái mẹt rách, bà nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng sau này.  Bà vẽ ra một tương lai không quá tầm với của mỗi người: mua một đôi gà và hi vọng về một đàn gà con, cuộc sống tiến lên từng bước mới mẻ như vậy.
* Diễn tả rất tinh tế  sự thay đổi tính cách của người vợ nhặt qua những cử chỉ, hành động của chị. Khi được Tràng đồng ý cho theo về và khi được mẹ chồng chấp nhận và đón nhận bằng tất cả tình thương, sự cưu mang đùm bọc thì cô đã trở nên khác hẳn, chất nữ tính trước đây bị cái đói tước mất thì nay lại trở về nguyên vẹn.  Dẫu có phần thất vọng về gia cảnh của Tràng nhưng người vợ nhặt vẫn vui vẻ chấp nhận cuộc sống mới, thực hiện vai trò của người vợ, người con dâu trong gia đình.
- Trên đường về cùng Tràng, người vợ nhặt đã trở nên một người phụ nữ thực sự. Chị ngượng ngùng, e thẹn khi những người trong xóm ngụ cư tò mò, phán đoán đến mức chân nọ bước ríu cả vào chân kia. Lúc chỉ có hai người trên đoạn đường về nhà, chị ấy đã thân mật với Tràng nhưng không suồng sã, thô tục.
- Khi về đến nhà Tràng, chứng kiến gia cảnh của Tràng, một ngôi nhà vắng teo, rúm ró, xiêu vẹo trên một mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi có dại, cô có phần thất vọng nhưng cố nén nỗi lòng –“cái ngực gầy lép nhô hẳn lên nén một tiếng thở dài” – không muốn để cho Tràng – “người chồng” – buồn lo, băn khoăn; khi đón nhận bát cháo cám từ tay người mẹ chồng, cô thoáng xót tủi, đôi mắt tối lại nhưng cô điềm nhiên và vào miệng. Cử chỉ “điềm nhiên và vào miệng” miếng cháo cám đắng chát  là một cử chỉ rất đẹp, đáng quý. Điều đó cho thấy cô không chỉ hiểu về hoàn cảnh, số phận mình mà con thấu hiểu và cảm thông cuộc sống của gia đình chồng và cô vui vẻ đón nhận nó.
- Khi thực sự xác định vai trò, vị trí của mình trong gia đình chồng, ý thức về hoàn cảnh, cuộc sống, cô đã trở nên một người đàn bà dịu hiền, đảm đang chứ không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như những lần Tràng gặp ngoài tỉnh.
- Cô còn gợi ra tính chất cách mạng qua việc người dân phá kho thóc Nhật chia cho người đói để từ đó gieo vào trí óc Tràng hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, gieo vào trí nghĩ của Tràng niềm tin, niềm hi vọng thay đổi cuộc sống. Hình ảnh kết thúc truyện thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng, khát vọng thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực. Đó vừa là niềm tin của nhân vật nhưng cũng đồng thời là niềm tin củ chính tác giả, là tình yêu thương sâu sắc mà tác giả dành cho nhân vật của mình.
=>Thông qua cảm xúc, tâm trạng, sự thay đổi của Tràng, ba cụ Tứ, người vợ nhặt, nhà văn Kim Lân khẳng định và ngợi ca vẻ đẹp của tình người, của khát vọng sống và khát vọng hạnh phúc mãnh liệt của con người trong hoàn cảnh éo le.
3. Tác phẩm “Vợ nhặt” còn nói lên tiếng nói tố cáo tội ác của bọn phát xít, thực dân gây ra nạn đói cho con người khiến số phận con người trở nên bi thảm, sự sống đặt bên cạnh cái chết, sự sống bị đe doạ bởi cái chết. Người chết như ngả rạ, người sống như những bóng ma. Tiếng quạ gào lên từng hồi thê thiết. Không gian bị bao trùm bởi cái đói và cái chết nên không có dấu hiệu của sự sống. Ngay trong đêm đầu tiên của Tràng và người vợ nhặt, của cặp vợ chồng mới cưới mà cũng xen vào tiếng ai hờ khóc những người chết cứ tỉ tê não nuột, xót xa. Nạn đói đã khiến cho cái giá của con người trở nên rẻ rúng đến mức một người con gái có thể theo không một người đàn ông xa lạ về. Nạn đói khiến cho ai nấy đều hốc hác, bủng beo, u ám. Và đến bữa cơm đón nàng dâu mới của ai đó (gia đình Tràng) cũng đầy tủi thẹn, đắng chát…
                         NGUYÊN HẠNH - CẨM LINH DƯƠNG

1 nhận xét: