Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

VỢ CHỒNG A PHỦ - TÔ HOÀI



VỢ CHỒNG A PHỦ
                                         TÔ HOÀI
        1: Hoàn cảnh ra đời và nội dung của “Vợ chồng A Phủ”:
*Hoàn cảnh ra đời: “Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Tô Hoài, viết về đề tài miền núi Tây Bắc, được in trong tập truyện ngắn “Truyện Tây Bắc”.  Tập truyện là kết quả của chuyến Tô Hoài đi thực tế Tây Bắc – cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc năm 1952. Trong chuyến đi ấy, nhà văn đã sống gắn bó cùng đồng bào các dân tộc Thái, Mường, H’mông… nên có những hiểu biết sâu sắc về con người, cuộc sống vùng đất Tây Bắc. (Tô Hoài nói: “Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cmar lúc nào cũng thành hình, thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi. Đó là một ám ảnh mạnh mẽ thúc đẩy tôi sáng tác”).
*Nội dung: Tác phẩm thể hiện cuộc sống tủi cực, khổ đau và sức sống tiềm tàng mạnh mẽ của hai nhân vật Mị và A Phủ, của đồng bào miền núi Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn phong kiến thực dân. Họ đã bị bóc lột sức lao động, bị áp bức nặng nề cả về tinh thần. Trong cảnh đau thương tột cùng đó, cách mạng đã đến với họ và họ được thức tỉnh.
2. Chủ đề tác phẩm “Vợ chồng A Phủ:
Thông qua số phận, vẻ đẹp tâm hồn và sức sống của hai nhân vật Mị và A Phủ, nhà văn Tô Hoài thể hiện tấm lòng yêu thương, đồng cảm với số phận người dân miền núi Tây Bắc; nhà văn cũng thể hiện thái độ nâng niu những khát vọng trong sáng, trân trọng phẩm chất tốt đẹp và ngợi ca sức sống tiềm tàng mãnh liệt của họ; nhà văn cũng ngợi ca ý nghĩa nhân đạo của sự nghiệp giải phóng con người thoát khỏi tăm tối, áp bức.
3: Tóm tắt tác phẩm:
Truyện Vợ chồng  A Phủ kể về cuộc đời của đôi vợ chồng người Mèo là Mị và A phủ. Mị vốn là cô gái trẻ đẹp, mang trong mình nhiều phẩm chất tốt đẹp: chăm chỉ, hiếu thảo, yêu tự do, có tình yêu trong sáng…Vì món nợ truyền kiếp, Mị trở thành con dâu gạt nợ trong nhà thống lí Pá Tra. Từ đó, cuộc sống của Mị như ở địa ngục trần gian. Mị chìm ngập trong hàng núi công việc của nhà “bố chồng” để làm giàu cho nhà họ. Lúc đầu Mị muốn tự tử vì muốn sống cuộc sống của con người chứ không phải kiếp ngựa trâu. Nhưng vì thương cha, Mị trở về nhà thống lí sống vật vờ như cái xác không hồn. Mị bị tê liệt về ý thức không còn khái niệm về không gian, thời gian, cuộc sống. Vào một đêm mùa xuân, Mị nghe thấy tiếng sáo thiết tha gọi bạn, gọi người yêu, Mị rạo rực trong lòng và muốn đi chơi nhưng bị A Sử trói một cách tàn nhẫn trong bóng tối suốt đêm. Sau đó thì Mị lại rơi vào trạng thái vô cảm. Cho đến một đêm đông, vì đồng cảm với tình cảnh bi thương của A Phủ - một người nô lệ trong nhà thống lí, chỉ vì để hổ ăn thịt một con bò mà bị trói suốt mấy ngày liền,  Mị đã cắt dây trói cứu A Phủ rồi cùng anh chạy trốn khỏi Hồng Ngài.

4: Khái quát về giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài
a.Giá trị hiện thực:
-Bức tranh chân thực và sinh động về xã hội Tây Bắc: cuộc sống của người lao động nghèo  tủi cực, đau thương, số phận bi thảm; bọn chúa đất – thống trị phong kiến thì xảo quyệt, tham lam, tàn độc.
-Quá trình đến với cách mạng của người dân lao động miền núi là từ tự phát đến tự giác.
b.Giá trị nhận đạo:
-Tác phẩm thể hiện sự thương xót, cảm thông sâu sắc đối với cuộc sống, số phận bi thảm của người dân lao động miền núi.
-Ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp; nâng niu, trân trọng những ước mơ và khẳng định sức sống tiềm tàng mạnh mẽ của người lao động.
-Mở ra con đường đấu tranh tự giải phóng khỏi số phận bi thảm của họ.
-Tố cáo tội ác của bọn chúa đất miền núi đã dùng cường quyền, đồng tiền và thần quyền để cột chặt người lao động nghèo vào kiếp sống nô lệ.
 5. Ý nghĩa của âm thanh tiếng sáo đêm xuân trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.
*Âm thanh tiếng sáo đêm xuân xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm qua sự cảm nhận của nhân vật Mị: tiếng sáo rủ bạn đi chơi lấp ló ngoài đầu núi, tiếng sáo gọi bạn văng vẳng đầu làng, tiếng sáo gọi bạn yêu lơ lửng bay ngoài đường, tiếng sáo rập rờn trong đầu Mị…
*Ý nghĩa tiếng sáo:
-Thể hiện nét đẹp văn hoá, bức tranh xuân và đời sống tinh thần vui tươi, sống động của đồng bào Mèo.
-Đánh thức tâm hồn Mị, kéo Mị ra khỏi trạng thái vô cảm, tê liệt hằng ngày trong nhà thống lí Pá Tra; đánh thức tuổi xuân, khát vọng hạnh phúc, khát vọng sống của Mị.
-Thể hiện tài năng của nhà văn Tô Hoài trong cách quan sát và miêu tả tâm lí con người. Nhà văn thấu hiểu những trạng thái phức tạp trong nội tâm của nhân vật, đặc biệt là nhân vật Mị.
        5. Đoạn văn mở đầu tác phẩm Vợ chồng A Phủ:
*Nội dung:
-Hé mở về giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm:
+ cuộc sống, số phận bi thảm của người lao động, của kiếp nô lệ trong nhà thống lí Pá Tra.
+Mị đối mặt với hàng núi công việc (thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi, cõng nước…), câm lặng như tảng đá , cúi mặt, mặt buồn rười rượi – mang sức nặng của tâm trạng.
+Mị vô cảm với nhịp sống xung quanh.
+Bộ mặt, bản chất tham lam, tàn ác của bọn thống trị phong kiến ở miền núi Tây Bắc: Pá Tra nhiều ruộng, nhiều nương, nhiều bạc nhất vùng, thế mà “con dâu” nhà thống lí vô cùng cực nhọc, làm không có lúc nghỉ.
+thể hiện sự xót xa, đồng cảm của nhà văn Tô Hoài với cuộc sống bi thảm của người nông dân miền núi dưới sự thống trị của bọn thực dân phong kiến; tố cáo tội ác của bọn thống trị: chúng bóc lột sức lao động của người dân một cách tàn nhẫn, lại còn câu kết với thực dân để áp bức người dân…
*Nghệ thuật: đoạn văn mở đầu góp phần thể hiện nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn: vào truyện bất ngờ, gây sự chú ý cho người đọc; hé mở về cuộc sống, số phận của nhân vật.
7. Số phận bi thảm của Mị ở trong nhà thống lí Pá tra được nhà văn Tô Hoài tái hiện như thế nào trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ?
-Mị bị áp bức, bóc lột về thể xác và tinh thần:
+bị tước đoạt cả tuổi xuân, khát vọng hạnh phúc cá nhân, khát vọng sống tự do, thậm chí là tước đoạt cả sức sống, sự sống một cách vô lí.
+đày đoạ trong một không gian tăm tối, tù đọng khiến cô mất hết ý thức, không còn cảm nhận về cuộc sống xung quanh.
+đối mặt với hàng núi công việc, hoạt động như một cái máy với những công việc triền miên.
-Mị bị hành hạ, đánh đập một cách vô lí: bao nhiêu mùa tết đến xuân về, Mị không đi chơi, mùa xuân năm ấy, tiếng sáo xuân đã mời gọi, thôi thúc Mị đi chơi, Mị muốn đi chơi tết thì bị A Sử - chồng Mị trói một cách tàn nhẫn suốt đêm trong bóng tối. Mị còn bị A Sử đạp vào mặt khi đang chăm sóc cho hắn, thậm chí còn bị hắn đạp ngã xuống sàn  bếp trong khi Mị đang hơ tay sưởi lửa trong những đêm đông rét buốt.
-Mị bị cầm tù bởi thần quyền: Mị tin có con ma vô hình nhà thống lí luôn theo sát mình, cả đến khi cắt dây tói cứu A Phủ, Mị còn ám ảnh: “Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về cúng trình ma nhà nó, chỉ còn cách đợi ngày chết rũ xương ở đây thôi”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét