Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

SO SÁNH VĂN HỌC - ÔN THI THPT QUỐC GIA 2015

ÔN TẬP: SO SÁNH VĂN HỌC

Đề bài 1: Cảm nhận của em về cảnh ngộ của người lao động và tư tưởng nhân đạo  trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và Vợ nhặt của Kim Lân.
Mở bài: “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài) và “Vợ nhặt” (Kim Lân) là những tác phẩm tiêu biểu của văn học cách mạng. Cả hai tác phẩm đều khai thác hiện thực đời sống trước cách mạng tháng Tám năm 1945: đều viết về số phận, cảnh ngộ người nông dân. Nhưng mỗi tác phẩm lại có những phát hiện riêng đồng thời thể hiện những nét tương đồng và khác biệt trong tư tưởng nhân đạo của các tác giả.
Đề bài 2: Cùng tái hiện về vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận, mỗi nhà thơ lại có cách khám phá, thể hiện riêng. Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng viết: “Tây Tiến đoàn bình không mọc tóc – Quân xanh màu lá dữ oai hùm – Mắt trừng gửi mộng qua biên giới – Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”; trong bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu viết: “Những đường Việt Bắc của ta – Đêm đêm rầm rập như là đất rung - Quân đi điệp điệp trùng trùng – Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”.
Cảm nhận của em về hai đoạn thơ trên.
Mở bài: Trong nền thơ Việt Nam, có rất nhiều bài thơ đặc sắc,  gợi nhiều cảm xúc trong lòng người đọc, đem lại những giá trị bền vững.  Hai trong số đó là Tây Tiến của Quang Dũng và Việt Bắc của Tố Hữu.  Hai bài thơ là nỗi nhớ của các tác giả về một thời kì kháng chiến gian khổ mà nghĩa tình. Trong nỗi nhớ ấy, hình ảnh những người ra mặt trận hiện lên rất chân thực mà hào hùng. Vẻ đẹp ấy được thể hiện rõ trong hai đoạn thơ sau:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
………………………………….
Và:
“Những đường Việt Bắc của ta
…………………………………”
Thân bài:
1.Làm rõ từng đoạn thơ
a.Đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến
*Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm:
+Quang Dũng là nghệ sĩ đa tài (thơ, văn, nhạc, hoạ), cũng là một người lính, sống một đời lính oanh liệt, hào hùng. Quãng đời ấy đã trở thành cảm hứng đặc sắc trong thơ ông. Bài thơ Tây Tiến viết về người lính, về những chàng trai “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” – người lính Tây Tiến.
+Tây Tiến là một đơn vị bộ đội thành lập đầu năm 1947. Thành phần chủ yếu là thanh niên trí thức Hà Nội. Nhiệm vụ của họ là phối hợp với bộ đội Lào, đánh tiêu hao lực lượng địch ở Thượng Lào, bảo vệ biên giới Việt Lào. Sau một thời gian hoạt động ở Lào, đoàn quân Tây Tiến trở về Hoà Bình thành lập trung đoàn 52. Năm 1948, nhà thơ Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác, không bao lâu, ông nhớ đơn vị cũ sáng tác bài thơ này.
*Phân tích cụ thể:
-Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ, nhớ về đồng đội và địa bàn hoạt động của đoàn quân, nhớ về vùng đất mà bước chân hào hùng mà đoàn binh Tây Tiến đã đi qua – Tây Bắc. Vùng đất đó với thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và thơ mộng, trữ tình, vùng đất ấy với những con người tài hoa, duyên dáng và nghĩa tình. Trên nền cảnh ấy là hình ảnh người lính Tây Tiến. Họ hiện lên thật ấn tượng với những nét ngoại hình khác thường và vẻ đẹp phẩm chất hào hùng, hào hoa đáng kính:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
-Ngòi bút của nhà thơ Quang Dũng  đã chọn được những nét tiêu biểu để khắc hoạ gương mặt chung của cả đoàn quân nhưng ông cũng không hề né tránh hiện thực.
+Người lính Tây Tiến mang những nét ốm yếu, xanh xao, tiều tuỵ: đầu không mọc tóc, da dẻ xanh như màu lá. Đó là hệ quả của những trận sốt rét rừng hành hạ. Hình ảnh đó biểu thị cho điều kiện sống và chiến đấu vô cùng gian khổ, thiếu thốn. Nhưng bằng thái độ yêu thương, trân trọng và tự hào về đồng đội, nhà thơ đã tái dựng chân dung họ mang đầy nét chủ động. Họ tiều tuỵ những họ vẫn oai phong lẫm liệt, vẫn là chủ của núi rừng. Cách nói của nhà thơ khiến ta thấy họ chủ động vượt lên hoàn cảnh, coi thường gian khổ.
+Nghệ thuật đảo ngữ trong câu thơ trên đã nhấn mạnh vào hình tượng trung tâm của bài thơ: Đoàn binh Tây Tiến. Cụm từ “không mọc tóc”  cho thấy người lính chủ động không mọc tóc, không cần mọc tóc chứ không phải do tóc không mọc lên được. Cụm từ “dữ oai hùm” tương phản hoàn toàn với hình ảnh “quân xanh màu lá”, nhấn mạnh vào tinh thần vượt khó, lạc quan, yêu đời của họ. Từ Hán Việt “đoàn binh” thay cho đoàn quân khiến cho hình ảnh những người lính này luôn ở trong đội hình chiến đấu, đội hình hành quân vội vã, họ mang dáng dấp của hình ảnh “quân đi điệp điệp trùng trùng”. Họ đã đạp bằng gian khổ, thiếu thốn  để chiến đấu vì lí tưởng “chiến trường đi” “không tiếc đời mình”.
-Bên cạnh phẩm chất hào hùng, những người lính Tây Tiến còn là những tâm hồn hào hoa, lãng mạn:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
+Hình ảnh “mắt trừng” gợi nhiều liên tưởng: “mắt trừng” là mắt mở to nhìn thẳng về phía kẻ thù với chí khí mạnh mẽ, thề sống chết với kẻ thù. Nhưng đôi mắt mở trừng mà “gửi mộng qua biên giới” đó là đôi mắt của niềm khao khát hoà bình, khao khát về sự yên bình trên quê hương. Đó cùng là đôi mắt “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Dù nhiệm vụ chiến đấu đang khẩn trương, con đường hành quân vội vã, điều kiện chiến đấu gian khổ nhưng không hề đánh mất tâm hồn trong trẻo, trẻ trung, lãng mạn của họ. Có giây phút nào đó, trái tim họ vẫn rạo rực yêu đương, khát vọng hạnh phúc lứa đôi. Đó là tình cảm đột xuất, còn nhiệm vụ chiến đấu mới là thường trực. Họ có lúc đã mơ về, nhớ về người thầm thương trộm nhớ, người yêu nơi quê nhà, nhớ quê, nhớ nhà. Trước khi lên đường đi chiến đấu, họ cũng đã từng là những con người bình thường, những học sinh, sinh viên hồn nhiên, bình dị và trẻ trung mà!
+Thơ ca chống Pháp cũng đã có nhiều nhà thơ nói về nỗi nhớ bất chợt đến với người lính như thế. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng đã rạo rực với nhịp đập con tim mình: “Những đêm dài hành quân nung nấu – Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”; nhà thơ Chính Hữu cũng đã viết “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”; Hồng Nguyên thì cồn cào, da diết trong  thẳm sâu: “Ba năm rồi gửi lại mái lều tranh – Luống cày đất đỏ - Tiếng mõ đêm trường – Ít nhiều người vợ trẻ - Mòn chân bên cối gạo canh khuya”.
*Về nghệ thuật:
-Bốn câu thơ trên được viết bằng bút pháp tả thực kết hợp với lãng mạn, đậm chất sử thi. Nhà thơ đã khắc hoạ thành công hình tượng những con người phi thường trong những hoàn cảnh khó khăn của cuộc kháng chiến.
-Ông đã kết hợp hài hoà cách sử dụng từ Hán Việt với từ thuần Việt, sử dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: tương phản, ẩn dụ khiến cho hình ảnh người lính Tây Tiến ở đây mang tinh thần chung của cả thời đại chống Pháp.
-Thái độ, tình cảm của tác giả: yêu thương, trân trọng, cảm phục và kính trọng đồng đội – những người hùng của thời đại.
b. Đoạn thơ trong bài Việt Bắc
*Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
-Tố Hữu là nhà thơ của lí tưởng cộng sản, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ ông mang tính chất trữ tình chính trị và khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn khá đậm nét. Ông viết nhiều về các sự kiện chính trị, lịch sử. Một trong những bài thơ thể hiện rất rõ cảm hứng và đặc điểm nghệ thuật của Tố Hữu là bài thơ Việt Bắc.
-Tác phẩm viết về những kỉ niệm nơi chiến khu Việt Bắc gian khổ mà hào hùng, sâu đậm nghĩa tình. Trong những đoạn thơ đầu tác phẩm, những kỉ niệm đó được viết bằng giọng điệu tâm tình, ngọt ngào trong hình thức như đôi lứa chia tay mà “nhớ gì như nhớ người yêu”.  Đoạn thơ trong đề bài lại mang một giọng điệu khác, giọng điệu hào hùng khi tác giả tái hiện hình ảnh Việt Bắc ra trận – cũng là hình ảnh cả nước ra trận hào hùng trong kháng chiến chống Pháp:
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
+Chống Pháp là cuộc chiến tranh nhân dân, cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Tham gia vào cuộc chiến ấy, có rất nhiều lực lượng, quân và dân, những đoàn dân công đỏ đuốc suốt bao đêm trường phá đá mở đường, phá bom, những đoàn xe vận tải nối tiếp nhau ra tiền tuyến. Nhưng ấn tượng đậm nét trong đoạn thơ này là hình ảnh những đoàn quân cứ đi vội vã. Không khí khẩn trương, mạnh mẽ, háo hứng, sôi nổi  của cuộc kháng chiến được gợi ra bằng hình ảnh:
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
+Câu thơ “Những đường Việt Bắc của ta” vang lên đầy hào sảng, chất chứa niềm tự hào, tự hào về những con đường kháng chiến, tự hào về những con đường ra mặt trận, tự hào về con đường giải phóng, giành lại chủ quyền vốn là của ta. “Những đường Việt Bắc” là những con đường thực, đường kháng chiến với niềm tin tất thắng “của ta”. Ta đang làm chủ, đang ở tâm thế của người làm chủ quê hương đi giải phóng quê hương. Con đường ấy còn mang nghĩa tượng trưng, khái quát cho cả quá trình đi lên của kháng chiến, cách mạng. Đó là những con đường đi đến những trận đánh vang dội, những chiến công oanh liệt.
-Trên những con đường máu lửa, những con đường chiến đấu và chiến thắng ấy là hình ảnh những con người tiến ra mặt trận: “Đêm đêm rầm rập như là đất rung”. Câu thơ mang âm hưởng hùng tráng, hào sảng. Từ “đêm đêm” gợi ra thời gian dài, nối tiếp liên tục không ngừng nghỉ. Các điệp âm “đ”“r” cùng từ láy “rầm rập” như gợi ra nhịp bước hành quân đều đặn của những chiến sĩ ta. Những đoàn quân đi khiến núi rừng rung chuyển, đó là hình ảnh thực nhưng vẫn đậm chất lãng mạn và sử thi. Đó là hình ảnh cả nước ra trận, “cả nước hành quân – cả nước thành chiến sĩ”.
-Hình ảnh những đoàn quân ra trận đã khẳng định sức mạnh của quân đội ta:
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
+Hình ảnh “quân đi điệp điệp trùng trùng” gợi sự lớn mạnh, trưởng thành nhanh chóng của lực lượng quân đội. Khi mới thành lập, quân đội ta – đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – mới chỉ có 34 người. Đến thời điểm giải phóng Điện Biên Phủ ở Việt Bắc, quân đội ta đã là những đoàn quân ra trận mạnh mẽ. Đoàn quân nối dài trên những con đường Việt Bắc của ta thật hùng tráng. Những từ láy “điệp điệp”, “trùng trùng” và nhịp điệu đều đặn của câu thơ gợi hình ảnh quân đội nhấp nhô như lượn sóng trên những con đường uốn quanh đồi núi, cũng gợi về sự đông đảo của quân đội, binh lính ta như cứ trải dài mãi, vươn rộng mãi đến khắp các chiến trường trên cả nước. Đó là hình ảnh của những con người đáng kính “Dù bom đạn xương tan, thịt nát – Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”. Họ đi cùng “ánh sao đầu súng”. Đó là ánh sao thực của bầu trời đêm Việt Bắc, cũng là ánh sao của lí tưởng cách mạng đang dẫn đường họ tới chiến thắng. Hình ảnh trong câu thơ vì thế mang niềm lạc quan, sự tin tưởng, niềm hân hoan khi hướng về “chiến thắng trăm miền”.
*Về nghệ thuật:
-Đoạn thơ sử dụng thể thơ lục bát nhưng âm điệu hùng tráng, tràn đầy cảm hứng lãng mạn, niềm tin tất thắng.
-Sử dụng linh hoạt điệp âm, điệp từ, từ láy với ngôn ngữ tạo hình cùng các biện pháp hoán dụ, ẩn dụ, nhân hoá.
-Thái độ, tình cảm của tác giả: tự hào về cuộc kháng chiến ở Việt Bắc nói riêng, trên cả nước nói chung, tự hào về sức mạnh của các lực lượng tham gia kháng chiến, về sức mạnh của dân tộc chúng ta.
3.So sánh
a.Điểm tương đồng:
-Cả hai bài thơ, hai đoạn thơ đều viết về cuộc kháng chiến chống Pháp. Cả hai bài thơ đều được viết ra từ nỗi nhớ da diết, mênh mang về một thời đã qua – thời kì gian khổ mà hào hùng, tình nghĩa. Đó là nỗi nhớ của người trong cuộc khi đã chia xa nhớ về. Hai tác giả đều sử dụng bút pháp tả thực kết hợp với lãng mạn, sử thi nhưng cảm hứng sử thi, lãng mạn vẫn nổi bật để khẳng định vẻ đẹp của những con người cách mạng, những con người làm nên chiến thắng vang dội trên các chiến trường.
b-Sự khác biệt:
+Nhà thơ Quang Dũng viết bài thơ Tây Tiến trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuộc sống, chiến đấu còn nhiều khó khăn, gian khổ. Hình ảnh người lính mang vẻ đẹp bi tráng. Hồn thơ Quang Dũng thiên về thể hiện cái phi thường trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Còn bài thơ Việt Bắc được Tố Hữu viết khi cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt của nhân dân ta đã chiến thắng vang dội, miền Bắc đã hoàn toàn được giải phóng. Hình ảnh con người kháng chiến vì thế mang vẻ đẹp hùng tráng, đầy khí thế chiến thắng.
+Nỗi nhớ trong bài Tây Tiến là nỗi nhớ của cá nhân nhà thơ, nỗi nhớ của một người lính nhớ về đồng đội, cảm xúc có điều gì đó mang tính cá nhân, yêu thương, cảm phục, tự hào cũng là của riêng nhà thơ Quang Dũng. Còn nỗi nhớ trong bài Việt Bắc là nỗi nhớ không chỉ của riêng nhà thơ Tố Hữu, còn là nỗi nhớ của những người cán bộ cách mạng về xuôi. Tình cảm trong bài thơ là tình cảm cách mạng, tình cảm cộng sản.
Kết bài
Tóm lại, cùng biểu hiện hình ảnh những con người cách mạng, những con người ra tiền tuyến nhưng cảm hứng của hai nhà thơ Quang Dũng và Tố Hữu lại rất khác nhau. Hình ảnh người lính trong hai đoạn thơ trên vừa mang những nét tương đồng vừa mang những nét khác biệt rất ấn tượng. Hai đoạn thơ trên đã để lại cho người đọc những niềm tự hào về sức mạnh của con người, sức mạnh đất nước ta trong những thời kì đất nước có chiến tranh. Hai bài thơ Tây Tiến và Việt Bắc xứng đáng là những đỉnh cao của thơ ca cách mạng Việt Nam.

ĐỀ 3: Cảm nhận của em về hai đoạn thơ sau:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành (Tây Tiến – Quang Dũng)
Có biết bao người con gái con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước (Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)
Mở bài: Tây Tiến của Quang Dũng và Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm là những bài thơ đặc sắc trong nền thơ cách mạng Việt Nam. Hai tác phẩm này đã nói về những con người vô danh lặng thầm chiến đấu bảo vệ Đất Nước. Mỗi bài thơ đều để lại những cảm xúc, suy tư sâu lắng trong lòng người đọc. Trong đó có những câu thơ rất đặc sắc:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
……………………………….”
Và:
“Có biết bao người con gái con trai
……………………………………..”
Thân bài:
1.Phân tích cụ thể từng đoạn thơ
a.Đoạn thơ trong bài Tây Tiến
*Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:
+Quang Dũng là nghệ sĩ đa tài (thơ, văn, nhạc, hoạ), cũng là một người lính, sống một đời lính oanh liệt, hào hùng. Quãng đời ấy đã trở thành cảm hứng đặc sắc trong thơ ông. Bài thơ Tây Tiến viết về người lính, về những chàng trai “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” – người lính Tây Tiến.
+Tây Tiến là một đơn vị bộ đội thành lập đầu năm 1947. Thành phần chủ yếu là thanh niên trí thức Hà Nội. Nhiệm vụ của họ là phối hợp với bộ đội Lào, đánh tiêu hao lực lượng địch ở Thượng Lào, bảo vệ biên giới Việt Lào. Sau một thời gian hoạt động ở Lào, đoàn quân Tây Tiến trở về Hoà Bình thành lập trung đoàn 52. Năm 1948, nhà thơ Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác, không bao lâu, ông nhớ đơn vị cũ sáng tác bài thơ này.
*Phân tích cụ thể:
-Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ, nhớ về đồng đội và địa bàn hoạt động của đoàn quân, nhớ về vùng đất mà bước chân hào hùng mà đoàn binh Tây Tiến đã đi qua – Tây Bắc. Vùng đất đó với thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và thơ mộng, trữ tình, vùng đất ấy với những con người tài hoa, duyên dáng và nghĩa tình. Trên nền cảnh ấy là hình ảnh người lính Tây Tiến. Họ hiện lên thật ấn tượng với phẩm chất hào hùng đáng kính, họ đã hi sinh dọc đường hành quân, hi sinh dọc miền biên giới – họ đã hi sinh vì lí tưởng sống cao đẹp:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
-Đoạn thơ sử dụng rất nhiều từ Hán Việt mang sắc thái trân trọng, thể hiện khong khí trang nghiêm, lòng thành kính thiêng liêng của nhà thơ trước sự hi sinh của đồng đội. Những từ ngữ ấy như những nén tâm nhang thắp lên đưa tiễn những người đã ngã xuống. CHính hệ thống từ ngữ ấy kết hợp với những hình ảnh giàu sức gợi (biên cương, chiến trường, áo bào, khúc độc hành) cũng tạo sắc thá cổ kính, gợi liên tưởng đến sự hi sinh oanh liệt của những anh hùng, dũng tướng sãn sàng chấp nhận cảnh “da ngựa bọc thây” đầy bi tráng trong văn học trung đại.
-Câu thơ đầu đoạn thơ sử dụng nhiều từ Hán Việt (biên cương, viễn xứ) nhưng sức nặng của cả câu lại dồn vào một từ thuần Việt: “mồ”. Mồ cũng là mộ nhưng không phải mộ theo đúng nghĩa. Đó chỉ là những nấm đất được đào vội, chôn mau ngay trên con đường hành quân vội vã để đoàn quân lại tiếp tục lên đường. Đặt trong không gian bao la, mênh mông hoang sơ của miền biên giới Việt – Lào, những nấm mồ ấy gợi lên bao nỗi xót xa.
-Trong câu thơ thứ hai, tác giả sử dụng nghệ thuật đảo ngữ (chiến trường đi) để nhấn mạnh đích đến của người lính, người chiến sĩ. Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, sứ mênh đất nước rất mỏng manh, chiến trường là đích đến duy nhất, là sự lựa chọn đầy trách nhiệm của cả một thế hệ. Với họ, “đường ra trận mùa này đẹp lắm” và “cuộc đời đẹp nhất trên trận chiến chống quân thù”. Cách nói “chẳng tiếc đời xanh” cho thấy sự dứt khoát, lòng quyết tâm, coi thường gian nguy, coi thường cái chết. Họ sẵn sàng hiến dâng cả đời xanh, tuổi trẻ, quãng đời đẹp nhất cho tổ quốc, hơn thế nữa, tính mạng của họ cũng sẵn sàng hi sinh để làm nên dáng hình đất nước. Họ ra đi với tinh thần của cả thời đại “Người ra đi đầu không ngoảnh lại”. Đó là lí tưởng sống cao đẹp, hào hùng.
-Viết về người lính và cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta, nhà thơ Quang Dũng rất chân thực, ông không hề né tránh hiện thực:
Áo bào thay chiếu anh về đất
“Áo bào thay chiếu” – một hình ảnh thực đến xót xa của chiến tranh. Nhưng cái thiếu thốn về vật chất lại được khoả lấp bằng sự hiên ngang, can trường của người lính. Từ Hán Việt và cách nói “Áo bào thay chiếu anh về đất” làm cho cái chết của người lính Tây Tiến trở nên trang trọng hơn rất nhiều, thiêng liêng hơn nhiều. Nhà thơ vẫn gợi lên sjw thật chung của cả thời chống Pháp là sự thiếu thốn về vật chất, ở vùng biên giới xa xôi thì sự thiếu thốn ấy còn nhân lên gấp bội. Người chiến sĩ đã ngã xuống không có một cỗ quan tài, thậm chí không có lấy một tấm chiếu để liệm thân mà khi ngã xuống vẫn cứ mặc nguyên tấm áo thường ngày trên đường hành quân. Đó có thể là tấm áo sờn vai, tấm áo bạc màu, tấm áo có vài mảnh vá. Nhưng với thái độ trân trọng đồng đội, nhà thơ Quang Dũng đã thấy họ như đang mặc tấm áo bào của chiến tướng mà đi vào cõi vĩnh hẳng, bất tử cùng sông núi. Cách nói “về đất” không chỉ  là cách nói giảm, nói tránh mà mang ý nghĩa biểu tượng thiêng liêng. Cái chết không phải là ra đi vào cõi hư vô bất định mà là trở về, trở về với đất Mẹ yêu thương. Đất Mẹ cũng đã mở lòng đón những đứa con đầy trách nhiệm của mình trở về.  Họ đã ra đi như thế đấy. Họ đã nằm lại nơi chân đèo, dốc núi nào đó trên con đường hành quân dầy gian khổ, nhọc nhằn, họ đã để lại mình nơi biên cương lạnh lẽo, hoang vắng. Nhưng họ đã ra đi vì lí tưởng, cái chết của họ dù diến ra rất nhiều, dù để lại nhiều xót xa trong lòng người đọc nhưng họ ra đi một cách rất thanh thản. Họ chỉ là “không bước nữa”, là “bỏ quên đời”, là “về đất” thôi chứ không phải là chết. các anh đã ngã xuống, đã “hoá thân cho dáng hình xứ sở” để rồi mỗi thế núi hình sông, mối tên đất tên làng đều có bóng hình các anh. Các anh hi sinh, trở về trong lòng Đất Mẹ để “cho cây đời mãi mãi xanh tươi”, để đem lại cho đất đai, cho quê hương đất nước sự sống bất tận.
-Chứng kiến sự ra đi hào hùng của người lính Tây Tiến, “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Sông Mã mở đầu cho cuộc hành trình trở về Tây Tiến trong kí ức của nhà thơ, cũng là chúng nhân chứng kiến bao tâm tư, tình cảm, bao nỗi nhớ thương, chứng kiến bao chiến công oanh liệt của đoàn binh. Sông Mã cũng đã sẻ chia nỗi xót xa với Tây Tiến khi có những đồng đội hi sinh, là thân nhân đưa tiễn những người lính của đoàn quân ấy trở về với đất. Sự ra đi của các anh là những mất mát, thiếu hụt lớn lao không gì bù đắp được, để lại những tiếc thương, xót xa, hụt hẫng  cho những người đồng đội, những người đang sống. Dòng sông  mênh mang, chơi vơi trong tiếng gọi tha thiết nhớ thương  của nhà thơ ở đầu bài thơ giờ đây nó gầm lên trogn cơn giận dữ kìm nén, trong đau thương uất nghẹn. Nó không hát, không thét, không khóc mà “gầm lên khúc độc hành”. Tiếng thác sông Mã gầm lên vang vọng giữa núi rừng dội lên những âm thanh trầm hùng trong lòng đồng đội. Nó như tiếng kèn chiêu hồn liệt sĩ, như tiếng đại bác nổ rung trời giận dữ, nó mang sắc thái của một lời thề cao cả. Đau thương đã biến thành sức mạnh, thành lòng căm thù, thành sự quyết tâm, ý chí sắt đá. Các anh đã quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Đặt cái chết của những người lính vô danh giữa một không gian rộng lớn với thiên nhiên hùng vĩ, hình ảnh người lính trở nên hiên ngang, lẫm liệt – ngay cả khi đã hi sinh. Dòng sông Mã thay lời những người đang sống, thay lời quê hương xứ sở cất lên khúc tráng ca tiến biệt người chiến sĩ về nơi vĩnh hằng để hoà cùng khí thiêng sông núi. Đất nước chúng ta đúng là đất nước của “những người chưa bao giờ khuất”.
=>Cả bài thơ Tây Tiến không có một trận đánh nào được nói tới, không có một tiếng súng nào vang lên mà cái chết vẫn hiện hình rõ nét, vẫn hiện lên một cách chân thực. Đó chính là cái nhìn mới về sự khốc liệt, nghiệt ngã của chiến tranh. Rất nhiều người lính đã hi sinh dọc đường hành quân, trên đường ra mặt trận. Họ hi sinh vì điều kiện sống, chiến đấu quá gian khổ, thiếu thốn: thiếu lương thực, thiếu muối, thiếu thuốc, lại sống ở những nơi rừng thiêng nước độc…
*Về nghệ thuật:
-Đoạn thơ sử dụng kết hợp hài hoà bút pháp tả thực với bút pháp lãng mạn, từ Hán Việt với từ thuần Việt, ngôn từ giàu hình ảnh, giàu tính biểu cảm.
-Cảm xúc của nhà thơ rất chân thành; giọng điệu thơ có chút xót xa nhưng nổi bật là sự dứt khoát, mạnh mẽ làm nên sự bi tráng trong cái chết của người Tây Tiến.

b.Đoạn thơ trong bài Đất Nước
*Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:
-Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ trẻ tiêu biểu trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mĩ.  Thơ ông giàu chất suy tư, cmar xúc nồng nàn, mãnh liệt về nhân dân, đất nước – thể hiện sâu sắc tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân.
-Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là trường ca Mặt đường khát vọng. Tác phẩm sáng tác năm 1971 tại chiến khu Trị Thiên, một chiến trường nóng của thời chống Mĩ. Mục đích của tác phẩm: thức tỉnh tuổi trẻ đô thị miền Nam và tuổi trẻ cả nước về bộ mặt xâm lược và tội ác của đế quốc Mĩ để hướng về nhân dân, đất nước cùng đứng dậy đấu tranh hoà nhịp với cuộc đấu tranh của toàn dân.
-Đoạn trích Đất Nước nằm ở phần đầu chương V của Mặt đường khát vọng nói về những  cảm nhận, khám phá, suy tư mới mẻ của tác giả Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước (trên nhiều bình diện: bề dày lịch sử, chiều rộng của địa lí, chiều sâu văn hoá, phong tục tập quán, truyền thống), từ đó tác giả khẳng định tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân – nhân dân bình dị vô danh đã làm nên Đất Nước. Từ những nhận thức sâu sắc ấy, nhà thơ nhắc nhở mỗi người đang có mặt trong đất nước Việt Nam thiêng liêng quý báu của chúng ta rằng: Lịch sử đất nước là những thế hệ người anh hùng thầm lặng dựng xây và bảo vệ:
Có biết bao người con gái con trai
…………………………………
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.
*Phân tích cụ thể:
-Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã gợi nhắc về cả bề dày lịch sử bốn nghìn năm. Cha ông ta đã làm nên lịch sử oanh liệt bằng sự tiếp nối không ngừng nghỉ. Họ là biết bao người con gái con trai cần cù làm lụng chăm lo cho cuộc sống, vun vén cho gia đình khi đất nước hoà bình, nhưng họ đã sẵn sàng dâng hiến tuổi xanh, hiến dâng thân mình khi tổ quốc kêu gọi. Họ đã làm một cuộc chạy tiếp sức đầy nhọc nhằn, gian khó để dựng xây và bảo vệ, vun đắp và gìn giữ Đất Nước cho chúng ta hôm nay.
-Nhà thơ khéo léo nhấn mạnh vào vai trò, sức mạnh của lớp người trẻ tuổi (“giống ta lứa tuổi”) để thức tỉnh tuổi trẻ đất nước tự nguyện xả thân cứu nước, giữ nước. Đất Nước này được làm nên từ máu xương, từ sự hi sinh giản dị, bình tâm của những con người đã “ra đi không tiếc đời mình”.
-Viết về lịch sử Đất Nước, tác giả không nhắc về những sự kiện lịch sử trọng đại, những người anh hùng nổi tiếng lưu danh sử sách mà ông viết về những người anh hùng vô danh mà vĩ đại vô cùng. Ngòi bút của ông thật tinh tế, khéo léo gợi những suy tư sâu xa trong lòng người đọc. Khi ông viết về công lao, vai trò to lớn của nhân dân đới với lịch sử Đất Nước thì câu thơ kéo ra rất dài. Nhưng khi viết về sự hi sinh thì câu thơ co ngắn lại: “Họ đã sống và chết – Giản dị và bình tâm”. Những từ ngữ “giản dị”, “bình tâm” và những từ đối lập ‘sống – chết” cho thấy nhân dân dã tự nguyện hi sinh cho sự sống bất tận của Đất Nước. Các thế hệ nhân dân đã hi sinh nhẹ nhàng, thanh thản. Họ thật cao cả, vĩ đại, phi thường – “không ai nhớ mặt đặt tên – nhưng họ đã làm ra Đất Nước”. Nhà thơ đã đặt những cái vĩnh hằng bên cạnh cái giản dị, vô danh để khẳng định, ngợi ca nhân dân, vai trò của nhân dân đối với Đất Nước. Qua đó, nhà thơ đã thể hiện niềm kính trọng, biết ơn đối với Nhân Dân.
*Về nghệ thuật:
-Thể thơ tự do với những câu thơ co duỗi nhịp nhàng, linh hoạt gợi về quá trình lịch sử đầy gian khổ của Đất Nước, gợi về sự hi sinh vĩ đại của nhân dân ta.
-Giọng điệu thơ như những lời tâm tình nhắn nhủ tuổi trẻ và tự nhận thức chính mình về vai trò, trách nhiệm đối với Đất Nước.
-Ý thơ chính luận được viết ra bằng lời thơ giản dị, giọng thơ tâm tình nên rất mềm mại, không khô cứng như một lời giáo huấn.
3.So sánh
*Giống nhau:
-Hai đoạn thơ đều nói tới sự hi sinh thầm lặng của những người anh hùng vô danh để “làm nên Đất Nước muôn đời”.
-Hai đoạn thơ đều được viết ra bởi sự yêu thương, trân trọng, biết ơn của các tác giả - những người đang sống trong những giai đoạn lịch sử gian khổ mà  hào hùng.
*Khác nhau:
-Đoạn thơ trong bài Tây Tiến được viết trong những năm đầu của  thời kì kháng chiến chống Pháp với nỗi nhớ của nhà thơ về đồng đội, bằng kí ức về một thời oanh liệt của người trong cuộc. Đoạn thơ được viết bằng cảm xúc mãnh liệt chân thành, sự kết hợp bút pháp tả thực và lãng mạn.
+Đoạn thơ trong bài Đất Nước được viết trong năm cuối của thời kì kháng chiến chống Mĩ. Trong cuộc kháng chiến, chúng ta có nhiều thắng lợi vẻ vang nhưng vận nước vẫn rất mong manh. Lúc này cần sự đóng góp của tất cả mọi lực lượng. Bài thơ, đoạn thơ này nhằm thức tỉnh tuổi trẻ về trách nhiệm đối với Đất Nước – cũng là một cách kêu gọi tinh thần đấu tranh của tuổi trẻ.
-Đoạn thơ trong bài Tây Tiến được viết bằng thể thơ thất ngôn, có sử dụng nhiều từ Hán Việt trang trọng với giọng điệu thơ dứt khoát, mạnh mẽ, âm hưởng hào hùng  để tô đậm hiện thực khốc liệt của chiến tranh và khẳng định sự bất tử của người chiến sĩ vô danh.
+Đoạn thơ trong Đất Nước được viết bằng thể thơ tự do, giọng điệu tâm tình trò chuyện, từ ngữ giản dị, gần gũi nhằm khẳng định vai trò to lớn của nhân dân vô danh.
Kết bài:
Qua hai đoạn thơ trong hai bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, các tác giả đã đem đến những nhận thức sâu sắc về vai trò của những người anh hùng vô danh. Họ đã “hoá thân cho dáng hình xứ sở - Làm nên Đất Nước muôn đời”. Đó là những con người thầm lặng, giản dị mà cao cả, đáng kính vô cùng. Hai bài thơ cùng viết về đề tài những con người kháng chiến, nhưng ra đời trong hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau nên đã có những nét tương đồng và sự khác biệt rất sâu sắc. Hai đoạn thơ trên đã đem đến cho chúng ta những cảm xúc sâu lắng về sự khốc liệt nghiệt ngã của chiến tranh, về lí tưởng cao đẹp của những người chiến sĩ, về sự hi sinh thầm lặng của các thế hệ nhân dân để ta thêm yêu cuộc sống, yêu đất nước của chúng ta ngày hôm nay.












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét