Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

ÔN TẬP - ĐỌC HIỂU VĂN BẢN - ÔN THI THPT QUỐC GIA 2015

ÔN TẬP: ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
Những kiến thức về đọc hiểu văn bản rất phong phú, bao gồm các kiến thức về Tiếng Việt (Các phong cách chức năng, Cách tạo lập văn bản, các biện pháp tu từ, các phép liên kết, cấu tạo từ, cấu tạo câu...), Các kiến  thức về Làm văn (Các thao tác lập luận, các phương thức biểu đạt...); Kiến thức văn học (Tác giả, tác phẩm, văn học ; các kiến thức lí luận văn học : thể loại tác phẩm, các phương thức trần thuật, các phương thức miêu tả tâm trạng,...;  các kiến thức về văn học sử...)...
Bài viết này là một số kiến thức cơ bản các em cần nắm vững trong quá trình ôn tập về đọc hiểu văn bản. Các em đọc kĩ để ôn tập cho tốt và làm bài thi được điểm số như mong muốn nhé!

ÔN TẬP: ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
A. PHẦN TIẾNG VIỆT
I.CÁC PHONG CÁCH CHỨC NĂNG
Nhắc tới phong cách chức năng là nhắc tới phạm vi sử dụng của phong cách ngôn ngữ: lĩnh vực sinh hoạt, khoa học, văn học nghệ thuật, hành chính công vụ, chính luận, báo chí.
1.Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt
-Là phong cách ngôn ngữ sử dụng trong đời sống sinh hoạt, hoàn cảnh giao tiếp không mang tính chất nghi thức – có thể sử dụng ngôn ngữ thông tục trong đời sống sinh hoạt, sử dụng tiếng lóng hoặc các từ nói lái – ngôn ngữ rất mộc mạc, bình dị.
-Các dạng của phong cách sinh hoạt: chuyện trò, thư từ, nhật kí…
2.Phong cách ngôn ngữ khoa học
-Dùng trong lĩnh vực nghiên cứu, học tập – trình bày các vấn đề khoa học: toán học, vật lí, sinh học, văn học, kiến thức khoa học trong đời sống.
-Các dạng văn bản khoa học: văn bản khoa học chuyên sâu, văn bản khoa học giáo khoa, văn bản khoa học thường thức – khoa học phổ cập.
3.Phong cách ngôn ngữ hành chính – công vụ.
-Dùng trong lĩnh vực hành chính.
-Chức năng của văn bản hành chính:
+Chức năng sai khiến.
+Chức năng thông báo.
-Các thông báo, quyết định, đơn từ…
4.Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật (ngôn ngữ văn chương).
-Sử dụng trong các văn bản văn chương nghệ thuật.
-NGôn ngữ của văn bản nghệ thuật: dùng từ toàn dân, từ ngữ đa nghĩa; giàu hình ảnh, giàu tính biểu cảm;  sử dụng đa dạng các biện pháp nghệ thuật (nhân hoá, ẩn dụ, so sánh, tương phản, hoán dụ, điệp từ, điệp cấu trúc câu, câu hỏi tu từ…)
->Văn bản có nhiều ý nghĩa.
5.Phong cách ngôn ngữ chính luận (nghị luận chính trị, xã hội).
-Dùng để thể hiện thái độ, quan điểm, nhìn nhận của một cá nhân, một tổ chức nào đó về một vấn đề chính trị, xã hội – bộc lộ công khai quan điểm chính trị về một vấn đề thời sự, chính trị, xã hội.
-Dùng nhiều trong cách văn bản nghị luận chính trị, xã hội, tuyên ngôn, xã luận, bình luận thời sự - chính trị…
6.Phong cách ngôn ngữ báo chí.
Dùng trong lĩnh vực thông tin xã hội, thời sự - phong cách thông tấn: thu thập và cung cấp tin tức cho công chúng.
-Các dạng văn bản báo chí: phản ánh tin tức, thông tin quảng cáo, phản ánh công luận.
=>Trong đề bài thi thường có câu hỏi: Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? (các em chú ý đọc kĩ văn bản, tìm hiểu đặc điểm của phong cách ngôn ngữ của văn bản rồi hãy trả lời)
II. MỘT SỐ PHƯƠNG TIỆN VÀ PHÉP LIÊN KẾT
Các em  chú ý ôn tập các phép liên kết sau: 
-Phép Lặp - còn gọi là phép Điệp (có các dạng: Điệp Ngữ âm, Điệp từ, Điệp ngữ, Điệp cấu trúc câu, điệp kết cấu văn bản) 
-Phép thế (Có các dạng: Thế đồng nghĩa, Thế đại từ) 
- Phép Liên tưởng (Có Liên tưởng cùng chất, Liên tưởng khác chất)
- Phép Tương phản - nghịch đối 
-Phép Nối (Có Nối bằng kết từ ("và", "với", "mà", "còn", " nhưng", "vì", "tuy"...), Nối bằng kết ngữ ("vì vậy", "do đó", "bởi thế", "Trên đây", "Tiếp theo", "Nhìn chung", "Tóm lại", "Một là", "Ngược lại"...); Nối bằng phụ từ, tính từ; Nối bằng quan hệ chức năng cú pháp).
III.CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ
Đề yêu cầu: xác định các biện pháp tu từ và nêu hiệu quả nghệ thuật của nó.
Những biện pháp chủ yếu:
1.Ẩn dụ:
-Gọi tên sự vật hiện tượng có nét tương đồng tăng tính biểu cảm, gợi hình.
2.So sánh
-Đối chiếu sự vật này với sự vật khác: tương đồng, đối lập nhằm làm tăng tính gợi hình, biểu cảm.
VD: Hồn tôi là một vườn hoa lá – Rất đậm hương và rộn tiếng chim
VD: “Một giọng hát dân ca, ngân nga bát ngát như cánh cò trên đồng lúa miền Nam chạy tới chân trời; có lúc rụt rè, e thẹn như khoé mắt người yêu mới gặp, có lúc tinh nghịch, duyên dáng như những đôi chân nhỏ thoăn thoắt gánh lúa chạy trên những con đường làng trộn lẫn bóng tre, bóng nắng.
3.Nhân hoá: người viết gọi, tả đồ vật bằng những từ ngữ vốn dùng cho con người làm cho thế giới đồ vật, thiên nhiên trở nên gần gũi, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.
(VD: Hình ảnh xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra để che chở cho làng; Hình ảnh Sông Đà, Sông Hương trong sáng tác của Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường).
4.Hoán dụ: gọi tên sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó; hoặc dùng bộ phận để chỉ toàn thể.
VD: Một tay lái chiếc đò ngang – Tố Hữu (Mẹ Suốt). (Một tay: Chỉ mẹ Suốt)
VD: Áo chàm đưa buổi phân li (Việt Bắc – Tố Hữu)
5.Nói quá, phóng đại, thậm xưng: phóng đại để nhấn mạnh gây ấn tượng, tăng tính biểu cảm.
VD: Những đường Việt Bắc của ta – Đêm đêm rầm rập như là đất rung… Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay…
6.Liệt kê: kể ra hàng loạt các hình ảnh, trạng thái của sự vật, hiện tượng… hoặc kể ra hàng loạt các sự vật, hiện tượng.
VD: Trời xanh đây …
VD: Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa trồng….
7.Điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc cú pháp – biện pháp lặp: lặp lại từ/ ngữ - cụm từ/ cấu trúc của câu để làm nổi bật ý gây cảm xúc mạnh.
Vd: Trời xanh đây…
Vd: Họ giữ và truyền cho ta…
Phép lặp còn là một phép liên kết.
8.Tương phản, đối lập:
Dùng những từ ngữ hoặc hình ảnh có tính chất đối lập để nhấn mạnh làm nổi bật một ý nghĩa nào đó:

VD: Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống – Tây Tiến (Quang Dũng) (Ở đây biện pháp tương phản đem đến hình ảnh con  đường hành quân thật hùng vĩ, hiểm trở. Hình ảnh người lính qua sự tương phản đó như được nhân lên gấp bội lần về lòng dũng cảm và ý chí, nghị lực vượt khó.
VD: ơi kháng chiến mười năm qua như ngọn lửa…
Mười năm – nghìn năm
Đã đi – nhưng cần vượt nữa.
9.Nói giảm, nói tránh: dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển tránh gây cảm giác phản cảm, tánh sự thô tục, thiếu lịch sự.
10.Câu hỏi tu từ: là những câu hỏi mà người hỏi đã có lời đáp nhằm tăng tính biểu cảm. Cũng là một cách để khẳng định thái độ, cảm xúc trước một đối tượng nào đó.
VDEm là ai, cô gái hay nàng tiên?
Em có tuổi hay không có tuổi?
Mái tóc em đây hay là mây là suối?
Ánh mắt em nhìn hay chớp lửa đêm dông?
Thịt da em hay là sắt là đồng? (Người con gái Việt Nam – Tố Hữu)
11.Chêm xen: một bộ phận nhằm mục đích làm rõ phần câu ở trước đó hoặc thể hiện thái độ, tình cảm của người nói về đối tượng được nói tới. Nó có dấu hiệu cách biệt với các phần câu trước bằng dấu phẩy, dấu gạch ngang hoặc dấu ngoặc đơn.
VD: Cô bé nhà bên – Cũng vào du kích – Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích – Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)  (Quê hương – Giang Nam)
12.Im lặng: biểu thị bằng dấu ba chấm trong câu. Người nói, người viết không nói hết câu mà người nghe, người đọc hiểu được điều tế nhị, cảm xúc muốn nói.



B. VĂN BẢN
Các em cần hiểu về đặc trưng của từng loại văn bản: Văn bản thơ, văn bản truyện, văn bản kí. 
*Trong văn bản thơ: Các em cần chú ý đến các biện pháp tu từ, thủ pháp nghệ thuật và hiệu quả/ tác dụng của nó trong việc thể hiện nội dung cảm hứng hoặc tạo ra hiệu quả nghệ thuật; chú ý cách sử dụng từ ngữ (các từ loại, từ láy, đối từ...); giọng điệu, nhịp điệu - ngắt nhịp câu thơ...
*Trong văn bản truyện:Cần chú ý: 
-Các phương thức trần thuật. 
(1.Trần thuật từ ngôi thứ nhất.
-Người kể chuyện xuất hiện trực tiếp: nhân vật người kể chuyện xưng “tôi”.
(VD: Chiếc thuyền ngoài xa – Phùng, nhiếp ảnh “xưng tôi”:
Ngay lúc ấy, chiếc thuyền đâm thẳng vào trước chỗ  tôi đứng. Một người đàn ông và một người đàn bà rời chiếc thuyền. Họ phải lội qua một quãng bờ phá nước ngập đến quá đầu gối. Bất giác tôi nghe người đàn ông nói chõ lên thuyền như quát: “Cứ ngồi nguyên đấy. Động đậy tao giết cả mày đi bây giờ”.
2.Trần thuật từ ngôi thứ ba: người kể chuyện giấu mình, không xuất hiện trực tiếp mà ẩn mình đi.
-KHông xưng “tôi”
-Các nhân vật thường được gọi bằng tên gọi hoặc bằng một đại từ nào đó: hắn, y, thị, nó...
(VD: Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt…
VD:Thị lẳng lặng theo hắn vào trong nhà, cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại. Thị đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô hẳn lên, nén một tiếng thở dài. Tràng xăm xăm bước vào trong nhà, nhấc tấm phên rách sang một bên, thu dọn những niêu bát, xống áo vứt bừa bộn cả trên giường, dưới đất. Hắn quay lại nhìn thị cười cười:
-Không có người đàn bà, nhà cửa thế đấy!” – Vợ nhặt – Kim Lân)
3.Trần thuật từ ngôi thứ ba: Người kể chuyện giấu mình nhưng điểm nhìn, giọng điệu là của nhân vật.
Nhà văn vẫn trần thuật là ngôi thứ ba, người kể chuyện không xuất hiện trực tiếp nhưng cách cảm, cách nhìn, cách nghĩ vẫn là của nhân vật. Các nhân vật vẫn được gọi bằng tên hoặc bằng những đại từ khác.
(VD: Bà lão cúi đầu nín lặng Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc tỏng nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước măt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.” – Vợ nhặt – Kim Lân).
VD: “Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đnà bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ… Mị phảng phất nghĩ như vậy.” – Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)
- Các phương thức miêu tả nội tâm, tâm lí nhân vật 
(1.Miêu tả trực tiếp
-Qua dòng độc thoại nội tâm – miêu tả qua những suy nghĩ thầm kín bên trong nội tâm nhân vật.
VD: Hình như có một thời hắn đã có một ao ước…
2.Miêu tả gián tiếp: Miêu tả qua hành động, lời lẽ, nét mặt, cử chỉ…
VD: Chi tiết: bà cụ Tứ trở về thấy có người đàn bà lạ trong nhà: đứng sững lại, hấp hãy cặp mắt… - thể hiện tâm lí của nhân vật bà cụ Tứ.)
C.LÀM VĂN
I. CÁC THAO TÁC LẬP LUẬN
1.Thao tác lập luận phân tích
-Mục đích của phân tích là làm rõ đặc điểm về nội dung, hình thức, cấu trúc và các mối quan hệ bên trng bên ngoài của đối tượng (sự vật, hiện tượng, vấn đề).
-Khi phân tích, cần chia, tách đối tượng thành  các yếu tố theo những tiêu chí, quan hệ nhất định ( quan hệ giữa các yếu tố tạo nên đối tượng, quan hệ nhân quả, quan hệ giữa đối tượng với các đối tượng có liên quan, quan hệ giữa người phân tích với đối tượng được phân tích…)
-Phân tích cần đi sâu vào từng yếu tố, từng khía cạnh, song cần đặc biệt lưu ý đến quan hệ giữa chúng với nhau trong một chỉnh thể toàn vẹn, thống nhất.
2.Thao tác lập luận so sánh
-Mục đích của so sánh là làm sáng rõ đối tượng đang nghiên cứu trong tương quan với đối tượng khác. So sánh đúng làm cho bài văn nghị luận sáng rõ, cụ thể, sinh động và có sức thuyết phục.
-Khi so sánh phải đặt các đối tượng vào cùng một bình diện, đnahs giá trên cùng một tiêu chí mới thấy sự giống nhau và khác nhau giữa chúng đồng thời phải nêu rõ ý kiến, quan điểm của người viết/ nói.
3.Thao tác lập luận bác bỏ
-Bác bỏ là dùng lí lẽ và dẫn chứng cụ thể để gạt bỏ những quan điểm, ý kiến sai lệch hoặc thiếu chính xác… từ đó, nêu ý kiến đúng của mình để thuyết phục người nghe/ đọc.
-Có thể bác bỏ một luận điểm, luận cứ hoặc cách lập luận bằng cách nêu ra tác hại, chỉ ra nguyên nhân hoặc phân tích những khía cạnh sai lệch, thiếu chính xác… của luận điểm, luận cứ, lập luận ấy.
-Khi bác bỏ cần tỏ thái độ khách quan, trung thực.
4.Thao tác lập luận bình luận
-Bình luận nhằm đề xuất và thuyết phục người nghe/ đọc tán đồng với nhận xét, ý kiến, đánh giá, quan điểm, bàn luận  của mình về một hiện tượng/ vấn đề trong đời sống hoặc trong văn học nghệ thuật.
-Yêu cầu khi bình luận: Người bình luận phải:
+Trình bày rõ ràng, trung thực hiện tượng/ vấn đề được bình luận.
+Đề xuất và chứng tỏ được ý kiến nhận định, đáng giá của mình là xác đáng.
+Có những lời bàn luận sâu rộng về chủ đề bình luận.
5.Thao tác lập luận giải thích
-Giải thích là việc dùng lí lẽ để giúp cho người đọc/ nghe hiểu rõ về vấn đề  đang nói tới.
6.Thao tác lập luận chứng minh
-Chứng minh: là cách dùng dẫn chứng và lí lẽ để khẳng định về vấn đề đang bàn luận, giúp cho người nghe/ đọc tin vào điều mình đang nói.
II.CÁC PHƯƠNG THỨC BIỂU ĐẠT
Một văn bản có khi kết hợp  nhiều phương thức biểu đạt khác nhau nhưng bao giờ cũng có một phương thức biểu đạt chính.
Câu hỏi trong đề thi có thể là chỉ yêu cầu các em xác định phương thức biểu đạt chính (phương thức biểu đạt chủ yếu) nhưng cũng có khi yêu cầu các em xác định các phương thức biểu đạt của văn bản. (Các em chú ý đọc kĩ câu hỏi rồi hãy trả lời nhé!)
1.Phương thức tự sự:
Dùng lời kể tái hiện các sự việc đã xảy ra hoặc là diễn biến sự việc,  sử dụng nhiều trong các văn bản truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, hoặc trong những câu chuyện của đời sống.
VD: Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí đều trông thấy một cô gái ngồi quay sợi bên tảng đá trước cửa cạnh tàu ngựa…(Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài).

2.Phương thức biểu cảm:
Bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, nội tâm của con người trước một đối tượng nào đó.
(Phương thức này sử dụng nhiều trong các tác phẩm thơ, truyện, kí, tỳ bút).
VD: Trong anh và em hôm nay – Đều có một phần Đất Nước – Khi hai đứa cầm tay – Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm – Khi chúng ta cầm tay mọi người – Đất Nước vẹn tròn to lớn (Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm).
VD: Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân … (Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân).
3.Phương thức nghị luận:
-Nêu ý kiến đánh giá, bàn luận về một vấn đề nào đó trong đời sống xã hội hoặc văn học nghệ thuật.
-Sử dụng trong các văn bản thuộc phong cách chính luận: nghị luận văn học, nghị luận chính trị, xã hội.
(VD: Văn bản Tuyên ngôn độc lập; Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng…; Mấy ý nghĩ về thơ…)
4.Phương thức Miêu tả:
Dùng các từ ngữ tái hiện các đặc điểm, tính chất, trạng thái… của đối tượng (con người, sự việc, sự vật, thiên nhiên).
VD: Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút mùa hồng hồng do ánh mặt trời chiếu và. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như towngj trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu).
5.Phương thức thuyết minh: yêu cầu người viết thuyết minh: giới thiệu về đặc điểm, tính chất, phương pháp, về một vấn đề nào đó: con người, thiên nhiên, đồ vật…
VD: Tô Hoài … Sáng tác của ông thiên về diễn tả những sự thật của đời thường. Theo ông: “Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không tầm thường, cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc”. Ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta. Ông cũng là nhà văn hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người từng trải, vốn từ vựng giàu có – nhiều khi rất bình dân và thông tục nhưng nhờ cách sử dụng đắc đia và tài ba nên có sức lôi cuốn, lay động người đọc. (SGK Ngữ văn 12 trang 3 - 4)
6.Phương thức hành chính – công vụ:
-Trình bày ý muốn, quyết định nào đó, thể hiện quyền hạn giữa người với người.
-Sử dụng trong các văn bản thuộc phong cách hành chính.
=>Có 4 phương thức thường xuất hiện trong các đề kiểm tra: biểu cảm, tự sự, miêu tả, nghị luận.
(Trong thơ: chủ yếu sử dụng hai phương thức: biểu cảm và miêu tả. Còn phương thức tự sự có sử dụng nhưng không nhiều.

Trong văn xuôi: chủ yếu sử dụng các phương thức: tự sự và miêu tả, biểu cảm.)

D.CÁCH LÀM BÀI ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
1.Đọc kĩ văn bản, đọc kĩ câu hỏi.
2.Đề hỏi nội dung gì thì trả lời nội dung đó. Câu trả lời cần đúng, đầy đủ và ngắn gọn.

3.Tuân thủ những kí hiệu trong đề bài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét