Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

TIẾNG VIỆT LÍ THÚ - NHỮNG ĐIỀU TIỀM ẨN TRONG MỘT BÀI CA DAO

NHỮNG ĐIỀU TIỀM ẨN TRONG MỘT CÂU CA DAO
                    
                           “Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt trời không thấy người thương”
 Câu ca dao trên vẫn được nhiều người khen hay. Vậy hay ở chỗ nào? Người xưa phân tích thơ thường xét bốn yếu tố: ý, tình, hình, nhạc. Ngày nay ta cũng không thể bỏ qua bốn yếu tố đó.
Mới đọc qua, câu thơ này diễn tả nỗi nhớ nhưng của người nói (có thể là người con trai hoặc người con gái) với người thương ở phương xa. Nhưng đi sâu tìm hiểu ta càng thêm nhiều điều mới mẻ. Thử lấy lời một cô gái mà phân tích. Cô gái ở đây trách ngọn núi quá cao, che cả mặt trời, làm cho ta tưởng chừng người thương của cô cũng rộng lớn, rực rỡ như mặt trời và cô gái vắng xa người thương cũng dường như bị khuất bóng mặt trời vậy. Trong câu  thứ nhất có bóng dáng chót vót của ngọn núi. Trong câu thứ hai, đằng sau bóng dáng của ngọn núi có thêm bóng dáng của mặt trời. Mặt trời tuy rực rỡ chói chang vậy mà bị ngọn núi che khuất nên ta thấy ở đây có một bóng chiều tà mênh mông trong không gian. Từ chuyện núi che mặt trời ta nghĩ đến cái sâu xa rộng lớn của tình người.
Tuy vậy, ý hay chưa đủ làm thơ hay. Phải có lời hay tức là phải có âm thanh, giai điệu. Câu đầu vút lên như một lờn oán trách được thốt ra thành tiếng kêu: “Núi cao chi lắm núi ơi!”. Sáu tiếng đều là thanh cao (ba thanh sắc và ba thanh ngang) đã góp phần tả chiều cao của núi và độ cao của tình cảm. Sang câu thứ hai, giọng thơ bỗng hạ thấp xuống: “Núi che mặt trời…” (“mặt” là thanh trắc thấp, “trời”  là thanh bằng thấp). Tiếng “trời” lại chính giữa câu hát (vần lưng) làm cho giọng nói bị ngắt quãng, nghẹn ngào. Bốn tiếng nối tiếp “không thấy người thương” gồm nhiều âm tố nên khi đọc hoặc ngâm phải kéo dài, làm cho câu thơ không vút cao mà lan toả mãi như không dứt.
Cô gái ở đây không phải đứng yên để tả núi. Cô hướng về ngọn núi mà oán trách. Giọng cô không được bình tĩnh vì lòng cô có bình tĩnh đâu. Nhưng cơn cớ chi lại gọi, lại trách núi? Núi kia, dù có cao thì cũng chỉ là vật vô tri. Cái tội của núi là thế. Ngọn núi bị trách oan và ta thấy cô này vô lí. Nhưng ta lại thông cảm, cô trách là tại lòng cô thương nhớ quá. Tiếng gọi, tiếng trách kia thật ra là lời của nỗi lòng thương nhớ sâu nặng, mênh mang…
                       (Theo Trịnh Mạnh trong “Tiếng Việt lí thú” )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét