Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

NGHỊ LUẬN XÃ HỘI



NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
 “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”.
Viết bài văn nghị luận trình bày ý kiến của em về ý kiến trên.
I.Yêu cầu về kĩ năng:
Hs biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí.
-Hệ thống luận điểm rõ ràng, dẫn chứng hợp lí, hạn chế mắc lỗi chính tả, diễn đạt.

II.Về nội dung: học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau. Sau đây là một số gợi ý :
           
          1 - Giới thiệu ý kiến của đề bài.
           2 - Giải thích : “tự hào” và “xấu hổ”
            + Tự hào: hài lòng, hãnh diện về mặt tốt đẹp, những việc làm có ý nghĩa, những  ưu điểm của bản thân.
            + Xấu hổ: hổ thẹn về những hạn chế, nhược điểm của mình hoặc về những lỗi lầm mà mình gây ra làm ảnh hưởng đến những người xung quanh hoặc tổn hại đến danh dự, phẩm chất … của chính bản thân.
            +Nội dung ý kiến: cần biết tự hào, hãnh diện về những ưu điểm của mình nhưng quan trọng hơn đó là biết xấu hổ về những hạn chế, lỗi lầm của mình – cần có lòng tự trọng.
            3 -Phân tích, chứng minh :
            - "Tự hào là cần thiết" – vai trò, tác dụng của “tự hào”.
              + Người biết tự hào là người hiểu rất rõ về bản thân mình, về những mặt tốt, những khả năng của mình nên làm được nhiều viêc có ý nghĩa cho bản thân và cuộc sống chung, luôn tự tin và chủ động trong cuộc sống.
                 +Thái độ tự hào về bản thân mình giúp cho con người luôn có sự sảng khoái, có những cảm xúc và hành động  tích cực, có niềm tin, lạc quan và dễ thành công trong cuộc sống.
            - “Biết xấu hổ còn quan trọng hơn” – Tác dụng của thái độ biết xấu hổ.
             +Người biết xấu hổ là người có lòng tự trọng cao, luôn hiểu được những điều mình làm, nhận thức được sự chưa hoàn hảo của bản thân -  những hạn chế của bản thân nên có lòng khiêm tốn, chịu học hỏi để nâng cao hiểu biết, cố gắng hoàn thiện bản thân mình; sống có tinh thần trách nhiệm cao và có lương tâm, có thể tránh được những việc sai trái và có thể khắc phục được những yếu kém của bản thân. Từ đó tạo nên được những mối quan hệ gần gũi và tốt đẹp, dẫn đến những thành công, hạnh phúc  trong cuộc sống…
       - Bày tỏ thái độ: phê phán đối với những người không hiểu biết về bản thân, không tôn trọng bản thân, những người có thái độ tự cao, tự đại hoặc tự ti, những người sống vô cảm với bản thân và với cuộc sống xung quanh. Nếu ai đó chỉ biết tự hào về bản thân thì sẽ không nhận ra giá trị của người khác, coi thường người khác, không chịu học hỏi, có thể sẽ dẫn đến tự phụ, không bao giờ nhận ra hạn chế hoặc những sai lầm của mình, có thể sẽ làm cho người khác tránh xa. Còn người chỉ biết xấu hổ mà không biết tự hào về bản thân mình, tức là không bao giờ nhìn thấy giá trị đích thực của bản thân, sống không có niềm tin, luôn nhút nhát, không bao giờ có mơ ước, luôn tự ti và vì thế cũng khó có thể hoàn thiện mình.
      4 -Bình luận, mở rộng:
             +Đánh giá, khẳng định: ý kiến trong đề bài rất đúng đắn.
             +Tự hào, tự trọng là những phẩm chất đáng quý mà mỗi người cần có, tự hào là cần thiết nhưng xấu hổ, tự trọng còn quan trọng hơn.
             +Để có lòng tự hào và biết xấu hổ khi cần thiết thì cần có hiểu biết về giá trị con người trong cuộc sống, về phẩm giá của cá nhân, của bản thân; cần nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện mình cả về tri thức, đạo đức và kĩ năng sống. Luôn sống lạc quan, luôn tin tưởng vào bản thân mình, sống hoà nhập với cuộc sống xung quanh, quan tâm đến mọi người và luôn tìm thấy những điều tốt đẹp của người khác để học tập…..
             -Bài học nhận thức và hành động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét