Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

"NÓI VỚI CON" - Áng thơ tinh tế, sâu sắc về tình cảm gia đình, tình quê hương của nhà thơ Y Phương.



“NÓI VỚI CON”  CỦA  Y PHƯƠNG - ÁNG THƠ TINH TẾ, SÂU SẮC VỀ TÌNH CẢM GIA ĐÌNH, TÌNH QUÊ HƯƠNG

I.VÀI NÉT CHUNG

1.     Tác giả

-Nhà thơ Y Phương sinh năm 1948,  tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước, quê gốc tại xã Hiếu Lăng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
-Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam  (1988).
-Y Phương nhập ngũ năm 1968, phục vụ trong quân đội đến năm 1981 rồi chuyển về công tác tại Sở Văn hoá Thông tin Cao Bằng, tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du.
-Là nhà thơ dân tộc Tày, ông có nhiều bài viết về quê hương, dân tộc mình.
-Đặc điểm thơ Y Phương:
+ Thơ ông hồn nhiên, chân thật mà mạnh mẽ. Cách tư duy trong thơ ông độc đáo, giàu hình ảnh, thể hiện rất rõ phong cách của người miền núi.
   “Trong số các tác giả xuất hiện từ sau 1975 đến nay, Y Phương là nhà thơ có bản sắc tương đối rõ, một giọng điệu đáng chú ý trong nền thơ Việt Nam nói chung và trong nền văn học các dân tộc thiểu số VN nói riêng”.
     Thơ Y Phương là tiếng hát ngợi ca con người và cuộc sống miền núi (Tiếng hát tháng Giêng), là sự thức tỉnh ý thức và tinh thần dân tộc (Lời chúc) và khẳng định sức sống mạnh mẽ của dân tộc mình (Đàn then).
+ Thơ Y Phương là tình yêu quê hương làng bản. Bản sắc dân tộc trong thơ Y Phương thể hiện rõ nét nhất trong một loạt bài thơ viết về tình quê hương: Tên làng, Nói với con, Người khai sinh bài ca, Bài ca thứ 9, Sông Hiến đang yêu… Yêu quê hương tức là yêu dân tộc mình, tự hào và gắn bó với dân tộc mình, đó cũng là một cảm hứng lớn trong thơ của Y Phương. Điều quan trọng hơn là từ tình cảm của mình, ông đã khái quát được số phận của cả một dân tộc.
+ Nét độc đáo của thơ Y Phương còn được thể hiện ở một số bài thơ viết về tình yêu. Ở đó ông thể hiện tâm hồn của một người miền núi chân thật, mạnh mẽ và trong sáng với cách tư duy sống động bằng hình ảnh của người dân tộc miền núi.
=> Thơ Y Phương như một bức tranh thổ cẩm đan dệt những màu sức khác nhau, phong phú và đa dạng, trong đó có một màu sắc chủ đạo, âm điệu chính là bản sắc dân tộc rất đậm nét và độc đáo (ở cả nội dung và nghệ thuật). Với Y Phương, thơ của dân tộc Tày nói riêng và thơ Việt Nam nói chung có thêm một giọng điệu mới, một phong cách mới (Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam dùng cho nhà trường).
-Tác phẩm tiêu biểu: Người hoa núi (kịch bản sân khấu, 1982), Tiếng hát tháng Giêng (thơ, 1986), Lửa hồng một góc (thơ, in chung, 1987), Lời chúc (thơ, 1991) , Đàn then (thơ, 1996).
-Nhà thơ được nhận: giải A cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải thưởng loại A giải thưởng văn học 1987 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải A giải thưởng (Hội đồng văn học dân tộc) Hội Nhà văn Việt Nam 1992.
                                                                                                        (sưu tầm)


2. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm “Nói với con”.

      Nhà thơ Y Phương cho biết:
“Những năm cuối 70 đầu 80 của thế kỉ XX, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân các dân tộc thiểu số ở miền núi nói riêng, vô cùng khó khăn và thiếu thốn. Bởi vì đất nước ta vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mĩ lâu dài và cực kì gian khổ. Hiện thực xã hội ấy đã tác động sâu sắc đến đời sống con người. Đại bộ phận nhân dân ta vẫn kiên trì vẫn kiên trì khắc phục và tìm mọi cách để vượt qua để duy trì đời sống. Họ vẫn tồn tại à không ngừng sinh trưởng không phải nhờ vào phép màu của lực lượng siêu nhiên nào đó mà chỉ dựa vào sức mạnh truyền thống văn hoá từ ngàn đời mà ông cha để lại.
Cuối năm 1975, tôi cũng từ mặt trận trở về, sau 8 năm đánh giặcễa nhà nay trở về lấy vợ sinh con trong bối cảnh túng thiếu bần hàn chung của toàn xã hội. Nhìn các con cầm bát cơm ăn không thịt cá mà lòng xót đau không tả. Bởi chúng tôi cũng như nhiều gia đình cán bộ khác chỉ sống bằng đồng lương quá ít ỏi. Hàng hoá khan hiếm, giá cả leo thang từng ngày đến chóng mặt. Bên cạnh cái tốt của những người làm ăn lương thiện, không ít những con người bị tha hoá biến chất. Họ buôn gian bán lận, lợi dụng kẽ hở của nhà nước để móc nối làm ăn phi pháp. Ở miền Nam, một bộ phận công chức nhỏ dưới thời nguỵ quyền Sài Gòn không chịu được đã tìm mọi cách để vượt biên trốn ra nước ngoài.
Từ hiệnt hực khó khăn ngày ấy, tôi làm bài thơ này để tâm sự với chính kình, đồng thời để nhắc nhở con cái sau này”.

II. VỀ BÀI THƠ “NÓI VỚI CON

1.Người cha nói với con về cội nguồn sinh dưỡng, hạnh phúc của mỗi người.

           Nhà thơ khẳng định cội nguồn sự sống và hạnh phúc của mỗi người là gia đình và quê hương.
*Nói với con về gia đình: con lớn lên trong tình yêu thương, sự nâng đỡ của gia đình:
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước chạm tiếng cười
Con được sinh ra vầ lớn lên từng ngày trong gia đình, trong sự nâng đỡ, chở che và mong ước của cha mẹ, con là nguồn vui, nguồn hạnh phúc của cha mẹ. Cha mẹ nuôi dưỡng, dạy dỗ con và dõi theo từng bước lớn lên của con: từ khi con chập chững những bước đầu tiên, từ những tiếng cười, tiếng nói đầu tiên của con.
+ Nhịp thơ 2/3, câu thơ có cấu trúc đối xứng, nhiều từ được láy lại tạo ra được âm điệu vui tươi, quán quýt gợi không khí gia đình đầm ấm, yên vui, đầy ắp tiếng nói tiếng cười: chân phải – chân trái, một bước – hai bước, tiếng nói – tiếng cười…
Người đọc hình dung được những hình ảnh rất gần gũi, cụ thể và quen thuộc trong đời sống: khi đứa con tập đi, cha mẹ vây quanh hân hoan đón chờ theo mỗi bước đi của con. Từng bước đi, từng tiếng nói, tiếng cười của con đều được cha mẹ chăm chút, nâng niu đón nhận. Cả ngôn nhà như rung lên đầy ắp tiếng cười và niềm hạnh phúc của cha mẹ.
+ Đằng sau những lời nói và hình ảnh cụ thể đó, tác giả muốn khái quát một điều lướn lao hơn: con được sinh ra trong tình yêu và hạnh phúc, niềm mong đợi của cha mẹ và lớn lên bằng tình yêu thương, sự nâng đón, vỗ về, chờ mong của cha mẹ. Gia đình, tình cảm của cha mẹ là cái nôi đầu tiên cho cuộc đời mỗi con người.
*Nói với con về quê hương:
Bên cạnh tình cảm gia đình thắm thiết, hạnh phúc thì thiên nhiên thơ mộng nghĩa tình và cuộc sống lao động, bền vững trên quê hương cũng giúp con trưởng thành , giúp tâm hồn con được bồi đắp thêm, nhạy cảm và tinh tế hơn.
-Giải thích cho con về những cái “yêu lắm” rất  chân thực, thân thương của “người đồng mình” bằng cách nói rất cụ thể, giàu hình ảnh của người miền núi:
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
+ Con người quê hương yêu lao động, chăm chỉ, cần mẫn trong công việc và luôn lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống, có niềm tin vào vẻ đẹp bất tận của cuộc sống. Họ làm những dụng cụ lao động một cách cẩn thận à khéo léo, có tính nghệ thuật: “Đan lờ cài nan hoa”. Những cái nan từ tre, giang, nứa nhưng được vót, chuốt một cách cẩn thận nên nó là “nan hoa”. Câu thơ này gợi sự gắn bó mật thiết với núi rừng, với thiên nhiên đồng thời gợi cho người đọc nhớ về câu thơ của Tố Hữu khi ông chia tay Việt Bắc trở về thủ đô: “Mùa xuân mơ nở trắng rừng – Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”. Bao nhiêu sự cần mẫn, chau chuốt và tình yêu lao động đã được dồn cả vào từ “chuốt” trong câu thơ. Không chỉ có thế, trong căn nhà họ lúc nào cũng vang lên tiếng hát, chỗ hở của vách nhà không phải ken bằng đất đá, hay tre nứa gỗ mà ken bằng câu hát – thật độc đáo và tuyệt đẹp. Khi dựng nhà, họ ao ước và tin tưởng rằng cuộc sống ngập tràn niềm vui và tiếng hát, cuộc sống tràn đầy, bền vững như núi rừng, như sông suối quê hương: “Vách nhà ken câu hát”.
Bên cạnh những hình ảnh cụ thể,  các từ “đan”, “cài”, “ken” rất gợi cảm giúp người đọc hình dung rất rõ về cuộc sống lao động, về công việc thường ngày của họ và còn gợi được tính chất hoà quyện, gắn bó của con người và thiên nhiên.
+ Con người sống tình nghĩa, nhân hậu, có trách nhiệm với nhau, tạo nên lối sống đẹp, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách cho các thế hệ sau:
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời
“Con đường” vừa mang tính chất cụ thể là con đường đi rất thân thuộc trên quê hương nhưng nó còn mang ý nghĩa biểu tượng khi nó in dấu chân của bao thế hệ con người, nó in dấu ấn của cuộc sống lao động và sáng tạo, đó còn là nơi mọi người gặp gỡ và giao lưu, trao đổi về cuộc sống. Nói về “con đường”, nhà thơ cũng khẳng định với chúng ta một điều rất giản dị mà sâu săc: mỗi con người trên quê hương (và ở bất cứ đâu có dấu ấn sự sống) đều mang những nét đẹp tâm hồn, những vẻ đẹp của quê hương – những điều mà mỗi chúng ta cần học tập. “Con đường cho những tấm lòng”, cho chúng ta nguồn mạch yêu thương tha thiết chảy bất tận trong trái tim, trong tâm hồn mỗi người. Đồng thời nhà thơ cũng nhắc nhở con về tình cảm gia đình: “Cha mẹ mãi nhớ về ngày cười – Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”. Đó là ngày đầu tiên làm nên hạnh phúc của cha mẹ, cha mẹ gắn bó với quê hương, can hoà trong niềm vui của buôn làng, “người đồng mình” vun vén cho hạnh phúc lứa đôi…
-Nói với con về thiên nhiên của quê hương: cuộc sống lao động, sinh hoạt gia đình, niềm hạnh phúc của cha mẹ và “người đồng mình” được đặt trong một thiên nhiên thơ mộng mà giàu đẹp nghĩa tình:
Rừng cho hoa
      Thiên nhiên thơ mộng đẹp tươi cho con người những gì đẹp nhất tinh tuý nhất, cho sắc hoa rực rỡ, cho màu xanh tươi bạt ngàn của cây cỏ và cho ta cả sức sống mạnh mẽ, bất tận của núi rừng. “Hoa” vừa là hình ảnh thực, cụ thể vừa mang những ý nghĩa khái quát: chính những gì đẹp đẽ nhất, gần gũi và thân thương nhất trên quê hương đã hun đúc nên vẻ đẹp của tâm hồn con người.
-Điệp từ “cho” mang nặng nghĩa tình. Thiên nhiên đã chở che, nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn và lối sống đẹp của con người trên quê hương. Nhà thơ sử dụng nghệ thuật nhân hoá cho “rừng”“con đường” qua điệp từ “cho” để khẳng định lối sống tình nghĩa, gắn bó hoà quyện với thiên nhiên của “người đồng mình” để nahức nhở con rằng: gia đình và quê hương là nguồn cội làm nên sự sống, sức sống và hạnh phúc của mỗi người; con cái hãy biết yêu quý gia đình, quê hương, hãy trân trọng từng khoảnh khắc đầm ấm, yên vui, hạnh phúc của gia đình, từng vẻ đẹp của quê hương. Người cha cũng mong con hãy hiểu những điều đó mà thêm yêu cuộc sống.

2. Nói với con về vẻ đẹp của người đồng mình và mong ước của người cha.
*Người cha đã nói với con về những đức tính cao đẹp, đáng tự hào của “người đồng mình” bằng lời gọi con tha thiết, lời nhắn nhủ con thật chân thành:
Người đồng mình thương lắm con ơi
“Người đồng mình” không chỉ “yêu lắm” với những nét gần gũi gợi nhắc cội nguồn sinh dưỡng, bồi đắp tâm hồn con người mà “người đồng mình” còn được người cha nói đến với sự “thương lắm”, đó là tình cảm yêu thương một cách xót xa. Người cha đã ngợi ca những phâm chất đáng tự hào của “người đồng mình”:
-“Người đồng mình” có cuộc sống vất vả, gian nan, sống trên đá gập ghềnh, sống trong thung nghèo khó, lên thác xuống ghềnh cực nhọc nhưng có sức sống mạnh mẽ, sẵn lòng vượt qua gian khó, gắn bó với quê hương, “không chê đá gập  ghềnh, không chê thung nghèo khó, không lo cực nhọc. Dù trong hoàn cảnh nào thì “người đồng mình” vẫn sống tràn đầy, bền bỉ như sống suối, như núi rừng quê hương.
+ Nhà thơ dùng những hình ảnh quen thuộc của thiên nhiên như: sông, suối, thác, ghềnh để khái quát về những khó khăn, gian khổ và sức mạnh vượt qua khó khăn ấy của con người quê mình.
+ Các điệp ngữ: không chê, không lo, cách nói tha thiết “vẫn muốn” và cặp từ trái nghĩa “lên – xuống” để khẳng định sức mạnh của “người đồng mình”. Dù quê hương có vất vả, nhọc nhằn, nghèo khó, dù người quê mình có thể có những nỗi buồn rất lớn nhưng họ không bao giờ xa bỏ quê hương. Có khi chính cuộc sống nhiều khó khăn ấy đã bồi dưỡng cho ý chí, niềm tin của họ thêm mãnh liệt.
-Người cha tự hào về người quê hương mộc mạc mà giàu nghị lực, niềm tin, kiên trì, nhẫn nại để làm nên bản sắc con người và văn hoá độc đáo cuẩ quê hương:
Cao đo nỗi buồn
Xa đo chí lớn
Lấy cái cao rộng củ núi rừng, cái cao xa của đất trời để đo nỗi buồn và chí lớn. Họ làm chủ cuộc sống của mình, họ giữ gìn bản sắc của dân tộc, làm nên văn hoá của quê hương, có ý thức bảo tồn nguồn cội. Nhà thơ đã dùng cách nói tương phản giữa hình thức bên ngoài và giá trị tinh thần để ngợi ca phẩm chất của con người quê hương:
Người đồng mình tuy thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
+ Đó là những người sống giản dị, mộc mạc, hồn nhiên mà vô cùng mạnh mẽ. Họ “thô sơ da thịt”, họ không ăn nói khéo léo, nghệ thuật nhưng họ rất chân thật, họ là biểu tượng đẹp đẽ cho lối sống và văn hoá quê hương.
+ Họ “thô sơ da thịt” nhưng họ là những người cao thượng, giàu nghị lực, niềm tin và ý chí, họ có khát vọng xây dựng quê hương, làm cho quê hương ngày càng cao đẹp, lớn mạnh, giàu đẹp hơn; “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương”. Đây là một câu thơ rất giàu hình ảnh và cô đúc về phẩm chất tốt đẹp của con người quê hương. “Đục đá” là hình ảnh nói về sự khó khăn, đòi hỏi nghị lực và sự kiên trì nhưng người quê hương vẫn vượt qua để làm rạng rỡ quê hương.  Những đức tính tốt đẹp cùng với sự kiên nhẫn, cần cù của “người đồng mình” đã tạo nên sức mạnh để làm nên phong tục tập quán và những nét đẹp của văn hoá quê hương. Người cha đã tâm sự với con về những tốt đẹp nhất của người người quê hương, nơi con đang sống, cái nôi đang nuôi con khôn lớn trưởng thành, đang bồi đắp cho tâm hồn con.

*Niềm mong ước của người cha: trong bốn câu thơ cuối, hầu như nhà thơ chỉ nhắc lại ý thơ trên bằng lời thủ thỉ tâm tình chân tình, trìu mến trong tiếng gọi “con ơi” nhưng cách nói mạnh mẽ hơn, giọng điệu có chút nghiêm nghị, dứt khoát như một mệnh lệnh của trái tim, mệnh lệnh tình cảm:
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con
      Lần thứ nhất người cha nói về “người đồng mình thô sơ da thịt” để nói cho con sức sống mạnh mẽ của quê hương, sức mạnh truyền thống của quê hương. Lần thứ hai, người cha nhắc lại để con luôn ghi nhớ: người đồng mình mộc mạc, chất phác nhưng sống cao đẹp nên trên đường đời con phải làm những điều lớn lao, phải sống cao thượng, tự trọng để xứng đáng là “người đồng mình”.  Người cha dặn dò con cần tự tin mà vững bước trên đường đời, tiếp nối những truyền thống tốt đẹp của người đồng mình, phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông, của quê hương yêu dấu. Nhà thơ đã truyền cho con mình sức mạnh, vẻ đẹp của truyền thống quê hương bằng cách nói nhỏ nhẹ mà giọng điệu dứt khoát, đó cũng là mong ước mãnh liệt, tha thiết của người cha. (Như trong lời nhà thơ thì việc nhắc nhở con cái cũng chính là nhắc nhở với chính mình về tình cảm quê hương cao đẹp).

2.     Nghệ thuật

-Thể thơ tự do với các câu thơ co duỗi nhịp nhàng, linh hoạt diễn tả cảm xúc dạt dào, tự nhiên.
-Giọng thơ tha thiết, trìu mến, ngọt ngào như nhắc nhở, dặn dò.
-Hình ảnh thơ mộc mạc, giản dị mà cô đọng, sinh động, giàu chất thơ.
=> Bài thơ “Nói với con” của Y Phương là khúc tâm tình, là tiếng lòng tha thiết về tình cảm gia đình, về tình yêu  và niềm tự hào đối với quê hương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét