Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

LUYỆN TẬP ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN



LUYỆN TẬP: ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

BÀI TẬP 1: Em hãy đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột phân gián.
Trong một không khí khói toả như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực cả một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc toả cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa.
Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô những nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chứ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực. Thay bút con, đề xong lạc khoản, ông Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc bảo…”. (Trích Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân)
1.Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt nào?
2.Nội dung của đoạn văn trên?
3.Văn bản trên sử dụng thủ pháp nghệ thuật nào? Nêu tác dụng của nó trong việc thể hiện tư tưởng của tác giả?

BÀI TẬP 2: Đọc văn bản sau và trả lờ câu hỏi:
“Sáng ngày 16/5, hơn 1.300 học sinh trường THPT phan huy chú, Hà Nội tham gia buổi học ngoại khóa mang tên “Chủ quyền biển đảo, khát vọng hòa bình”. Buổi học được tổ chức với ý nghĩa thể hiện tình yêu đất lước, một nòng hướng về biển Đông.
Nhà trường cho rằng buổi ngoại khoá như thế này rất cần thiết, dúp nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc cho các em học sinh, đồng thời nâng cao hiểu biết về chủ quyền lãnh thổ và ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước.
Trong buổi ngoại khoá này, các học sinh trong trường đã xếp hình, tạo thành dải chữ X bản đồ đất nước Việt Nam cùng hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hoạt động xếp hình diễn ra khá sớm vào lúc 6h30 nhưng các học sinh tham gia đều rất vội vàng, hấp tấp.
Vừa xếp hình, các học sinh trường phan huy chú còn được nghe kể về kì công của cha ông trong việc bảo vệ đất nước, được nâng cao và tự ý thức được chách nhiệm của bản thân đối với lớp”.
 .                                                              
1, Phát hiện lỗi sai chính tả, dùng từ và sửa lại.
2, Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?
3, Kiểu câu nổi bật nhất mà văn bản sử dụng là gì? Tác dụng của kiểu câu đó trong việc thể hiện nội dung văn bản?
4, Đặt tên cho văn bản.
5, Bài học sâu sắc mà anh (chị) rút ra qua hoạt động được nói tới ở văn bản trên?

BÀI TẬP 3:
Câu 1: Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
 “ Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã... Cứ thế, hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng...”
(Trích Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành)
a) Nội dung của đoạn văn trên nói về vấn đề gì ? Đặt tên cho đoạn văn.
b) Chỉ ra các biện pháp tu từ trong đoạn văn trên và tác dụng của chúng.
Câu 2: Khi yêu cầu học sinh chép lại chính xác một đoạn thơ trong bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương,   có học sinh đã chép như sau:

Con ở miền nam ra thăm năng bác
Đã thấy chong sương hàng che bát ngát
Ôi hàng che xanh sanh việt nam
Bão táp mưa xa đứng thẳng hàng
Ngày ngày dòng người đi chong thương nhớ
Kết chàng hoa giâng bảy mươi trín mùa Xuân
Bác lằm chong dấc ngủ bình iên
Dữa một vừng chăng xáng rịu hiền

Hãy chỉ ra những lỗi sai chính tả trong đoạn thơ trên và sửa lại cho đúng.

BÀI TẬP 3:
1. Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
Thơ là một thể loại văn học có phạm vi phổ biến rộng và sâu. Thơ tác động đến người đọc bằng sự nhận thức cuộc sống, những liên tưởng, tưởng tượng phong phú, nhưng cái cốt lõi của thơ là trữ tình. Thơ ca bao giờ cũng là tấm gương của tâm hồn, là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời. Lê Quý Đôn khẳng định: “Thơ phát khởi từ trong lòng người ta”. Người ta ở đây là bản thân nhà thơ với tư cách một cái tôi trữ tình, hoặc là nhân vật trữ tình nào đó, và cũng có thể là người đọc thơ.
Thơ chú trọng đến cái đẹp, phần thi vị của tâm hồn con người và cuộc sống khách quan. Vẻ đẹp và tính chất gợi cảm, truyền cảm của thơ có được còn do ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh và nhạc điệu…”
a)      Hãy cho biết phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn văn ?
   b) Xác định nội dung chính và đặt nhan đề cho đoạn trích.
2) Đọc đoạn thơ và trả lời các câu hỏi:

                     “Chân phải bước tới cha
                     Chân trái bước tới mẹ
                     Một bước chạm tiếng nói
                     Hai tiếng bước tới tiếng cười
                    Người đồng mình yêu lắm con ơi
                    Đan lờ cài nan hoa
                    Vách nhà ken câu hát
                    Rừng cho hoa
                    Con đường cho những tấm lòng
                    Cha mẹ nhớ mãi ngày cưới
                    Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”

                   (Nói với con – Y Phương , Theo Sách Ngữ văn 9,
                             Tập 2, NXB Giáo dục, năm 2006)
  a) Anh/chị hiểu “người đồng mình” có nghĩa là gì?
  b) Hai câu thơ “Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng”, tác giả sử dụng biện pháp tu từ nào? Cho biết tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng?
c)      Anh/ chị cảm nhận đoạn thơ thể hiện cảm xúc gì của nhà thơ?

BÀI TẬP 4:
Câu 1:
“Từ sau khi Việt Nam hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường, tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) của đất nước tăng lên đáng kể. Đầu tư từ ngân sách cho KH&CN vẫn giữ mức 2% trong hơn 10 năm qua, nhưng giá trị tuyệt đối tăng lên rất nhanh, đến thời điểm này đã tương đương khoảng 1 tỷ USD/năm. Cơ sở vật chất cho KH&CN đã đạt được mức độ nhất định với hệ thống gần 600 viện nghiên cứu và trung tâm nghiên cứu của Nhà nước, hơn 1.000 tổ chức KH&CN của các thành phần kinh tế khác, 3 khu công nghệ cao quốc gia ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã bắt đầu có sản phẩm đạt kết quả tốt. Việt Nam cũng có cơ sở hạ tầng thông tin tốt trong khu vực ASEAN (kết nối thông tin với mạng Á - Âu, mạng VinaREN thông qua TEIN 2, TEIN 4…)…”
(Báo Hà Nội mới, ngày 16/5/2014 - Mai Hà - Ánh Tuyết)
Đọc đoạn văn trên và cho biết:
- Nội dung chính bàn về vấn đề gì?
- Đặt tên cho đoạn văn. 
Câu 2. Trong đoạn thơ dưới đây tác giả đã sử dụng những biện pháp tu từ gì? Trình bày hiệu quả của việc sử dụng biện pháp tu từ đó?

Ôi Tổ quốc! Ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng
Ôi Tổ quốc! Nếu cần ta chết:
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông
 (Chế Lan Viên)


BÀI TẬP 5: Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)
1.Xác định nội dung của đoạn thơ trên?
2.Đoạn thơ trên đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào? Nêu tác dụng của biện pháp đó trong đoạn thơ?

BÀI TẬP 6: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
“Như con chim kì diệu trong truyện cổ tích, sách ca hát về cuộc sống đa dạng và phong phú của con người táo bạo trong vươn tới chân, thiện, mĩ. Càng đọc, tâm hồn tôi càng tràn đầy tinh thần lãng mạn và hăng hái. Tôi trở nên điềm tĩnh hơn, tự tin hơn, làm việc hơn và ngày càng ít để ý đến vô số những chuyện bực mình trong cuộc sống.
Mỗi cuốn sách là những bậc thang nhỏ mà khi bước lên tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất, về sự thèm khát của cuộc sống ấy…”. (Macxim Gorki)
1.Nội dung của văn bản trên là gì?
2.Câu văn “Mỗi cuốn sách là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên tôi tách khỏi con thú để lên gần con người” có ý nghĩa gì?
3.Biện pháp nghệ thuật thể hiện trong đoạn văn trên là gì? Nêu tác dụng của nó?
4.Đặt tên cho văn bản trên?

NHÂN VẬT VIÊN QUẢN NGỤC TRONG "CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ" CỦA NGUYỄN TUÂN.



NHÂN VẬT VIÊN QUẢN NGỤC TRONG TÁC PHẨM
“CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ” CỦA NGUYỄN TUÂN.
“Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”.
1. Nguyễn Tuân là một trong những cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Trước Cách mạng tháng Tám, ông nổi tiếng với tập truyện ngắn “Vang bóng một thời” trong đó  “Chữ người tử tù” là một tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc. Truyện ngắn này tập trung thể hiện vẻ đẹp của các nhân vật và qua đó thể hiện tư tưởng của Nguyễn Tuân. Bên cạnh nhân vật Huấn Cao “văn võ song toàn”, đẹp cả trong tài năng, phẩm cách, thiên lương là nhân vật viên quản ngục với những nét đẹp rất riêng. Nhà văn rất quý trọng nhân vật này mà nhận xét trực tiếp: “Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻ chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”.
2.Hoàn cảnh sống và làm việc của nhân vật Viên quản ngục.
Quản ngục làm chức phận cai tù, sống và làm việc trong đề lao, nơi tồn tại của những cái xấu, cái ác, cặn bã của xã hội. Hằng ngày ông sống giữa gông xiềng tội ác, phải chứng kiến bao điều tàn nhẫn, lừa lọc giữa một đống cặn bã, giữa lũ quay quắt. Cảnh sống ấy dễ dìm chết con người, dễ đẩy con người vào bùn nhơ.
3.Viên quản ngục là một người sống khác hoàn cảnh, là người có tâm hồn trong sáng, có tính cách dịu dàng.
-Có thể thường ngày viên quản ngục cũng phải dùng những mánh khoé hành hạ tù nhân khi đón họ vào nhà giam của ông. Nhưng khi nhận được công văn đón những tử tù đặc biệt: Huấn Cao và những bạn đồng chí của ông, thì Viên quản ngục đã có những thay đổi nhất định.
-Trong thế giới tối tăm của nhà tù, Viên quản ngục như lạc lõng, cô độc trong thế giới riêng của mình: một ngọn đèn leo lét, một bóng tối mịt mù, quạnh quẽ, tiếng trống thu không, tiếng kiểng, tiếng mõ thưa thớt, tiếng chó sủa và những bóng ma mơ hồ huyền bí cứ ám mãi vào màn đêm hoang hút… Những sợi dây, vòng trói vô hình cứ tròng lên, thít vào cuộc đời mòn rỉ của ngục quan đang băn khoăn ngồi bóp thái dương.
-Ngoại hình: tóc hoa râm, râu đã ngả màu, bộ mặt tư lự. Viên quản ngục như đang trải qua cuộc đời cô đơn, dáng vẻ trầm tư kia cho thấy ông đang phải trăn trở trước một việc khó xử. Huấn Cao là một tài năng hiếm có, một nhân cách đáng trọng, lại là người viết chữ đẹp vang dội thiên hạ, ông cũng khao khát có được chữ Huấn Cao treo ở nhà riêng của mình.
-Cách chuyển giọng văn của tác giả: “những đường nhăn nheo của một khuôn mặt tư lự giờ đã biến mất hẳn, ở đó chỉ còn mặt nước ao xuân bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ” như một nhịp chuyển trong diễn biến tâm lí của nhân vật: quyết định biệt đãi Huấn Cao đã làm cho diện mạo viên quản ngục tươi sáng khác thường, đối lập không gian u ám tối tăm của nhà tù; niềm vui mừng khi được tiếp nhận một người tù tài hoa, có nhân cách đáng trọng.
Quản ngục có nhiều suy tư khi đón nhận tù nhân như thế này thật là hiếm có, là một việc trái lập hoàn toàn với công việc của ông.
-Là người làm nghề cai ngục, một công cụ trấn áp của bộ máy thống trị đương thời nhưng ông lại có thú chơi thanh cao tao nhã: chơi chữ nghệ thuật.
Sở thích cao quý này đối lập một cách dữ dội với công việc và hoàn cảnh sống của ông, cho thấy ông là người biết trân trọng những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc.
Hoàn cảnh đề lao với sự ngự trị của cái xấu, cái ác nhưng tâm hồn trong sáng của ông không bị hoen ố, mờ nhoè.
Tâm hồn trong sáng và sở nguyện cao quý của ông (một ngày nào đó được treo chữ của Huấn Cao trong nhà riêng) đã làm dịu thái độ ngông ngạo, kiêu bạc của Huấn Cao đối với ông và đã khiến Huấn Cao xúc động mà cho chữ, coi ông như một tri kỉ tri âm không hẹn mà gặp trong cuộc nhân sinh rộng lớn này, Huấn Cao sau khi cho chữ còn khuyên những lời chân thành, có ý nghĩa như chân lí nghệ thuật và vẻ đẹp nhân cách của con người.
-Khi tiếp nhận công văn giải tử tù vào kinh chịu án chém, viên quản ngục đã đau đớn đến tái nhợt người đi. “Một buổi chiều lạnh, viên quản ngục tái nhợt người đi sau khi tiếp đọc công văn. Quan hình bộ thượng thư trong kinh bắt giải ông Huấn Cao và những người bạn đồng chí của ông vào kinh. Pháp trường lập ở trong ấy kia. Ngày mai, tinh mơ, sẽ có người đến giải tù đi”. Viên quản ngục thực sự đã rơi vào một tình huống bế tắc và tuyệt vọng. Một tài năng hiếm có, một nhân cách cao quý được ông trân trọng, kính yêu và nâng niu từng giờ khắc đã sắp phải từ giã cõi đời, sắp phải chấm dứt cuộc đời đầy hoài bão tung hoành và khí phách hiên ngang bất khuất. Viên quản ngục chỉ có thể biệt đãi ông Huấn cho ông Huấn đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại nhưng sự việc này thì ông không có cách gì níu giữ hay thay đổi được nữa. Ông Huấn sắp phải chịu án chém mà viên quản ngục còn chưa xin được chữ của ông, không dám bày tỏ sở nguyện của mình…Nỗi đau khổ và niềm day dứt đan hoà trong tâm trạng ông.
-Niềm tâm sự kín đáo của quản ngục cuối cùng cũng đã gặp được sự cảm thông của thầy thơ lại và nhờ thế mà ông Huấn Cao biết được. Thật bất ngờ và xúc động, Huấn Cao không chỉ cho chữ mà còn coi viên quản ngục là tri kỉ, tri âm, còn tặng quản ngục những lời khuyên chân thành, giàu ý nghĩa. Viên quản ngục đón nhận tấm lòng ấy một cách thành kính, khúm núm, lắng nghe những lời khuyên của người mình tôn thờ bấy lâu như lĩnh nhận những di huấn thiêng liêng của một bậc hiền minh cao cả trước khi người đó đi vào cõi bất tử. Cái khúm núm bái lạy và dòng nước mắt của ngục quan ở đây không làm cho ông nhỏ bé, hèn yếu đi mà làm cho ông trở nên trong sáng, lương thiện hơn, ông đã được vẻ đẹp toàn diện cả Huấn Cao, tử tù, dẫn dắt. Người đọc, vì thế, cũng thêm yêu quý viên quan coi ngục này hơn.
4.Viên quản ngục có lòng biết giá người, biết trọng người ngay,  người có phẩm chất tốt đẹp.
-Trong hoàn cảnh đề lao với những tăm tối, lừa lọc ngự trị nhưng viên quản ngục vẫn luôn biết trân trọng giá trị con người, trọng người tài, trọng phẩm chất cao đẹp của con người.
+Khi mới tiếp nhận công văn đón nhận các tử tù đến trại giam của ông, ông đã khẳng định tài năng cả Huấn Cao qua tiếng đồn của người đời với thái độ trầm trồ thán phục: “Huấn Cao, cái người mà cả tỉnh Sơn ta khen cái tài viết chữ rất nhanh và đẹp”.
+Ông suy nghĩ về phẩm chất, nhân cách của thầy thơ lại, về câu nói ban chiều của thầy thơ lại: “một người có tài như thế mà đi làm giặc thì thật đáng tiếc. Giả thử tôi là đao phủ, phải chém những người như vậy, tôi nghĩ mà thấy tiêng tiếc”, quản ngục còn suy nghĩ, day dứt về việc chọn nghề của mình và thầy thơ lại. “Có lẽ lão bát này cũng là người khá đây, có lẽ lão cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi”. Ông còn băn khoăn ngồi bóp thái dương suy nghĩ về cách ứng xử với Huấn Cao và những người bạn đồng chí của ông Huấn. Ở đây, người đọc thấy viên quản ngục là người tận tuỵ với công việc, chu đáo và thận trọng trước mọi sự việc xảy ra nhưng một người coi ngục mà phải băn khoăn tìm cách ứng xử thích hợp, ứng xử như thế nào cho tốt, cho chu đáo với tử tù “có tiếng là nguy hiểm” thì quả là việc bất thường, ắt ông “không phải là kẻ xấu hay vô tình”.
-Viên quản ngục là người kiên trì, nhẫn nại và dũng cảm. trong những ngày Huấn Cao ở đề lao, ông đã biệt đãi Huấn Cao và những người bạn đồng chí của ông Huấn. Đây là một việc làm rất nguy hiểm với ông, về chức vụ, về quyền lợi, thậm chí là nguy hiểm cả về tính mạng của ông. Vì Huấn Cao là kẻ trọng phạm, phải chịu án chém. Quản ngục vì cảm phục nghĩa khí, tài năng cả ông Huấn, chỉ muốn cho “ông ta đỡ cưc trong những ngày cuối cùng còn lại” của cuộc đờ đáng trọng nên ông chấp nhận tất cả, chấp nhận sự nguy hiểm, chấp nhận cả thái độ khinh bạc kiêu ngạo của ông Huấn.
-Viên quản ngục hiểu rõ khoảng cách khá xa giữa mình và Huấn Cao, người mà mình kính trọng. Ông đã vchuanar bị sẵn những phiến lụa óng, can lại một cách cẩn thận và thoi mực thơm, những đồng tiền để đánh dấu ô chữ nhưng ông dám bày tỏ sở nguyện thầm kín cảu mình với ông Huấn. Vì “ông không dám giáp mặt một người cách xa” ông nhiều quá. Ông cũng nhận, hiểu rõ khoảng cách khá xa giữa mình và ông Huấn, đó không phải là khoảng cách về thân phận, địa vị xã hội mà là khoảng cách về tài năng, khí phách, nhân cách. Thế nên “điều khổ tâm nhất của viên quan coi ngục này là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm cách nào xin được chữ”.
=>Ở đây, Nguyễn Tuân đã đặt nhân vật viên quản ngục vào một tình huống đầy kịch tính, viên quan coi ngục này đã phải đứng trước hai sự lựa chọn: hoặc là làm tròn bổn phận của một viên quan coi ngục thì phải chà đạp lên sở nguyện thanh cao của mình, hoặc là muốn thực hiện khao khát tinh thần đáng trân trọng thì phải chà đạp lên nghĩa vụ, bổn phận “người nhà nước” của mình. Nếu lựa chọn cách thứ nhất, con người rơi vào trạng thái tầm thường, hèn hạ, viên quản ngục không bao giờ rút chân lên khỏi đống bùn đen được. Lựa chọn cách thứ hai, chiến thắng thuộc về cái cao cả và với ông Huấn, viên quản ngục là một “tấm lòng trong thiên hạ”, là một tri kỉ tri tri âm không dễ tìm gặp trong cuộc đời.
=>Nguyễn Tuân thật sự rất trân trọng con người, ông đã nâng cao tầm vóc, nhân cách nhân vật của mình khi ông để cho quản ngục dằn vặt về việc xin chữ Huấn Cao. Viên quản ngục thực sự rât dũng cảm khi bất chấp nguy hiểm để biệt đãi tử tù – biệt đãi tội phạm nguy hiểm của triều đình, dũng cảm khi dám khao khát chữ của tử tù. Nhưng điều mà khiến người đọc trân trọng ở con người này không phải vì thế mà vì quản ngục đã biết trân trọng con người, biết giá trị con người. Ông muốn có chữ của Huấn Cao nhưng ông cũng hiểu tính cách ông Huấn là người không sợ quyền thế nên không thể dùng bạo lực, dùng những trò hành hạ tù nhân để ép ông Huấn viết chữ được. Đó cũng là điều khiến người đọc cảm nhận được cái thanh khiết ở quản ngục khi ông bị ông trời chơi ác, đem đày ải giữa một đống cặn bã, giữa lũ quay quắt.
6. Thái độ, tình cảm của Nguyễn Tuân:
-Trong ngòi bút khai thác và khám phá cuộc sống, Nguyễn Tuân đã rất trân trọng, yêu quý vẻ đẹp nhân cách con người. Nhân vật Huấn Cao được ông xây dựng bắng bút pháp lãng mạn, lí tưởng hoá với tất cả những vẻ đẹp được người đời ngưỡng mộ, nhân vật viên quản ngục cũng nhận được những tình cảm đặc biệt của Nguyễn Tuân khi ông dùng những hình ảnh so sánh rất đẹp để khẳng định thiên lương lành vững, khẳng định viên quản ngục là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ.
-Tác giả cũng thật tinh tế và mạo hiểm khi đặt nhân vật của mình trong hoàn cảnh éo le, trong tình huống kịch tính đặc biệt. Nhưng ngời bút tài hoa độc đáo của ông cũng đã đem đến cho người đoc những hiểu biết thú vị. Nhân vật viên quản ngục không được tác giả đặt tên để gọi nhưng vẻ đẹp tâm hồn nhân vật này cũng đã khẳng định rằng ở bất cứ nơi đâu, kể cả những nơi chỉ có bóng tối và tội ác ngự trị cũng vẫn có những con người lương thiện. Qua đó, tác giả cũng thể hiện niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người, bản chất ấy không bị chi phối, tác động  bởi hoàn cảnh, môi trường. Nhân vật viên quản ngục đã là người chiến thắng, chiến thắng cảnh ngộ, chiến thắng chính mình, vươn tới những giá trị cao đẹp về nhân cách con người.
-Xây dựng nhân vật viên quản ngục, Nguyễn Tuân cũng sử dụng ngòi bút lãng mạn độc đáo: những tình huống trái ngược, những câu văn so sánh, những nét miêu tả ấn tượng.
KL: Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời đi tìm cái thật và cái đẹp. Ông luôn nhìn thấy ở con người vẻ đẹp trong trẻo, kín đáo ngay cả khi họ ở trong hoàn cảnh éo le nhất. Xây dựng nhân vật viên quản ngục, ông thể hiện niềm tiếc nuối về những giá trị văn hoá cao đẹp của dân tộc đang bị rơi vào quên lãng; ông cũng thể hiện niềm tin vào vẻ đẹp tâm hồn, thiên lương trong sáng của con người. Ông đã để lại trong lòng người đọc nhiều thế hệ những nhân vật rất sống và những bài học đáng quý về nhân phẩm, về tâm hồn cao đẹp. Nhân vật viên quản ngục trong “Chữ người tử tù” đúng là người có “tính cách dịu dàng,lòng  biết giá người, biết trọng người ngay” trong hoàn cảnh đề lao tàn nhẫn, lừa lọc. Tính cách ông đúng là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”.
                                                          Nguyên Hạnh – Đồng Gia